Một tuần hai buổi, học sinh bãi nổi Phúc Xá (Long Biên, Hà Nội) háo hức chờ đến buổi học gia sư. Những đôi tay chai sạn vì thu hoạch rau, nhặt tôm cá nắn nót từng dòng chính tả.
Hơn 18h tối, con đường dẫn xuống bãi nổi Phúc Xá giữa sông Hồng tối om, phải vừa đi vừa dò dẫm tìm đường. Trời mưa bụi, nhóm gia sư ai cũng co ro trong manh áo mỏng rồi chia làm hai hướng tiến về những túp lều ven sông.
Ở đó gần 20 “ngôi nhà không móng” quây quần bên nhau, nổi trên mặt nước đen ngòm, bèo, rác bủa vây tứ phía. Học sinh đã chờ sẵn để bắt đầu buổi học. Sau khi làm hai bài kiểm tra và ba bài tập, Quân được thầy giáo Sơn cho phép nghỉ giải lao. Ở bên cạnh, Nhi và Hà ngồi nắn nót viết chính tả, thi xem ai viết đẹp và nhanh hơn. Thỉnh thoảng bị cụng đầu, hai cô bé lại ngẩng lên nhìn nhau cười khúc khích.
Nhóm gia sư gồm 10 người, đều là sinh viên đại học, cao đẳng thuộc CLB Nhân Ái Hà Nội, chia nhau kèm cặp 12 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 mỗi tuần hai buổi, không lương. Nơi dạy học là "gian nhà" rộng chỉ chừng 10 m2, vừa là nơi sinh hoạt của gia đình chị Hạnh, vừa là nơi lũ trẻ tập trung học bài. Nhà chị Hạnh có Hiếu, Nhi, Quân được nhóm gia sư nhận kèm cặp.
Mỗi góc nhà là một chiếc bàn gấp bằng gỗ, thầy giảng bài, trò chăm chú theo dõi. Những bàn tay chai sạn thường ngày giúp cha mẹ thu hoạch rau, nhặt tôm cá… giờ đang nắn nót viết từng dòng chính tả, làm phép tính.
Hoàng Văn Nhật kèm cho Hương học bài. Ảnh: Hoàng Phương.
Những em không có lịch học vẫn ôm sách vở sang đòi học cùng cho vui. Mùa nước nổi, học sinh đi từ nhà này sang nhà kia phải di chuyển bằng thuyền. Mùa nước cạn thì bước trên những cây cầu chênh vênh bắc tạm bằng ván gỗ, thậm chí là dùng chiếc thùng xốp rộng nổi trên mặt nước.
Nguyễn Thị Hợi, trưởng nhóm cho biết các em ở đây rất lanh lợi, nếu không muốn nói tinh ranh và lớn trước tuổi. Do phải dành thời gian giúp bố mẹ, nhiều em đi học bị hổng kiến thức khá nặng. Các em ước mơ thoát nghèo nhưng không biết phải học thế nào. Vì vậy từ hơn nửa năm nay, nhóm chọn nơi đây để thực hiện dự án Gia sư nhân ái.
Công việc những ngày đầu tiên rất gian nan. Ban đầu các thành viên chia nhau đến từng nhà, nói chuyện với bố mẹ, tâm sự với các em để làm quen. Những buổi sau đó mới bắt đầu dạy học. Học trò đều là học sinh tiểu học nên một người dạy luôn toàn bộ chương trình, từ Toán, Tiếng Việt đến Đạo đức, Vẽ. Thời gian đầu, những đứa trẻ khôn lanh tìm đủ cách để làm cho gia sư nản chí mà tự động bỏ cuộc.
Vũ Thị Thảo (CĐ Kỹ Thuật khách sạn và Du lịch), gia sư cho Nam (học lớp 1), kể khi làm quen, cậu bé không thèm chào hỏi, thậm chí còn nguýt dài. Ngày đầu tiên đến dạy, Nam lấy cớ đi vệ sinh để trốn. Đến khi ngồi học thì quên vở, bút và hỏi gì cũng lắc đầu. "Lúc đó nản lắm, nhưng nghĩ mình bỏ cuộc thì thằng bé bướng bỉnh sẽ không ai kèm nổi nên lại nghĩ cách để đưa nó vào khuôn khổ", Thảo tâm sự.
Bùi Phương (ĐH Luật Hà Nội) được tiếng chịu đựng giỏi nhất nhóm cũng không tránh được những lúc muốn bỏ cuộc vì học trò tên Hiếu quá lười. Giao bài tập về nhà em không chịu làm, hỏi thì bảo không biết. Trách thì cậu bé còn cự nự: "Lớp có kiểm tra, em còn phải chép bài trên lớp nữa, không có thời gian học bài”.
Phụ huynh sợ các anh chị giận, không gia sư nữa nên tìm lý do bao biện cho sự lười học của bọn trẻ, như phải giúp bố mẹ ra chợ nhặt tôm cá, phải trông em nhỏ... Thảo nhớ lại: "Có lần Cò (tên gọi ở nhà của Nam) đi học mà không chịu mang sách vở. Mình ngồi nói cả buổi tối về việc học, nói xong chực khóc rồi đi về. Không biết vì hiểu ra hay sợ mà hôm sau cả nhóm đến, Cò bơi thuyền ôm sách vở, bàn học sang nhà chị Hạnh ngồi chờ mình".
Gia sư Hợi có sáng kiến viết nhật ký những ngày bên nhau ghi lại buổi học để các em có thể nói lên suy nghĩ, mong muốn được học gì, học như thế nào. Các anh chị dựa vào đó điều chỉnh cách dạy cho phù hợp. Cuốn nhật ký trở thành cầu nối giữa những người thầy sinh viên và học trò.
Các gia sư bước đi trên những cây cầu chênh vênh để tới với học trò. Ảnh: Hoàng Phương.
Nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng các gia sư cũng không hề cưng chiều học sinh mà có thưởng phạt rõ ràng. Phần thưởng là thanh kẹo, cây bút, hình phạt là chép lại bài. Gia sư Phương nhớ như in từng nét chữ nghuệch ngoạc trong lá thư Hiếu viết trong một lần mắc lỗi: "Lắm lúc chị giận em nhưng em không buồn đâu, vì em biết chị muốn tốt cho em nên mới như thế. Chị giận không dạy em nữa nhưng em biết sẽ có ngày chị quay trở lại".
"Những lời lẽ ngô nghê nhưng chân thành ấy đã khiến mình bật khóc. Đó chính là động lực để mình tiếp tục công việc", Phương chia sẻ. Có thời gian cả nhóm bận ôn thi, không xuống thường xuyên được, ai cũng lo các em nản chí mà bỏ học. Những lúc đó, buổi học được duy trì qua… điện thoại.
Hợi là người gọi điện nhiều nhất, học sinh Mạnh của cô học nhanh nhưng ẩu. Có ngày, Hợi gọi điện đến ba lần để kiểm tra tình hình học bảng cửu chương của thằng bé. Cuối tháng, tiền điện thoại còn quá cả tiền ăn. Nhưng Hợi tâm niệm: "Đã xác định làm công việc này thì không tiếc thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc". Hết ôn thi, cả nhóm lại tăng số buổi gia sư, bù lại thời gian đã bị mất cho các em.
Nhờ những cú điện thoại thường xuyên của Hợi, Mạnh đã học thuộc bảng cửu chương, bé Hương dần dần phân biệt được “l” và “n” bởi mỗi khi nói ngọng lại được các anh chị chỉnh ngay. Hà cười tít mắt khi giải được toán. Học kỳ vừa rồi, Quân đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của trường Tiểu học Nghĩa Dũng, Mạnh giành giải nhì trong cuộc thi vẽ tranh về học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường Mái ấm tình thương 19/5.
Học sinh đến với học vấn đã gian nan, con đường đến với học sinh nghèo nơi bãi nổi của những tình nguyện gia sư cũng khó khăn không kém. Nhóm chủ yếu là con gái, đường xuống bãi Phúc Xá vắng vẻ, những bãi rác ngồn ngộn hai bên đường chứa đầy kim tiêm, mảnh chai, sơ sẩy dẫm phải thì rất nguy hiểm. Đó là chưa kể những hôm về muộn, không bắt được xe bus, có bạn phải đi xe ôm.
“Nhiều lúc nghĩ lại thấy bọn mình cũng liều vì con gái mà toàn lọ mọ đi đêm. Nhưng nhớ đến khuôn mặt rạng ngời của các em khi thấy bọn mình là ai nấy lại tiếp tục bước”, Thảo tâm sự. Niềm vui của cả nhóm là những cái hít hà, ôm hôn của các em mỗi lần thầy trò gặp nhau. Sau buổi dạy, những thầy cô giáo không lương lại chia nhau từng ổ bánh mỳ chống đói, sôi nổi bàn luận hôm nay Quân học thế nào, Hà đã giải được hết bài tập, Mạnh vẽ tranh tặng các chị.
Cô Thanh (mẹ em Mạnh) tâm sự: "May có các cháu gia sư kèm các em, chứ cô chú không biết chữ đã khổ lắm rồi, giờ phải cho các em học. Con người ta được mười thì chỉ mong con mình được 4-5 đã là mừng lắm".
gia su da nang
Hoàng Phương
Theo VNE