BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Phố núi B'lao

Xứ Bảo Lộc trù phú mà thơ mộng với những nương trà xanh bát ngát. Giữa những đồi trà, thỉnh thoang bạn lại gặp những con suối chảy róc rách hoặc những thác nước tung bọt trắng xóa . Đó đây thấp thoáng những chiếc nón trắng của các cô gái Bảo Lộc xinh đẹp đang thoăn thoắt hái trà. Bạn sẽ hài lòng với khí hậu ôn hòa mát mẻ, với phong cảnh xinh đẹp của miền cao nguyên và với những ly trà thơm ngọt đậm đà chỉ có ở Bảo Lộc.

Có một cao nguyên với thế giới của cồng chiêng, chóe, nhà mồ, tượng mồ và núi rừng hoang dã chứa đựng bạt ngàn bí ẩn tâm linh và vật chất. Nó tồn tại như một phần của văn hoá, làm cho cuộc sống cao nguyên lung linh, hư ảo, khát khao và huyền bí.



Biểu tượng "Giàng" - thần mặt trời

Nhưng cũng có một cao nguyên lãng mạn đầy quyến rũ với những đồi trà bạt ngàn, những con dốc nghiêng nghiêng vàng rực dã quỳ, với cái nắng chiều hanh hao thoảng mùi cà phê thơm mềm. Đó là một thị trấn nhỏ cách Sài Gòn không xa, nằm chênh vênh giữa trập trùng đồi núi, chông chênh giữa khúc khuỷu mây mù. Bảo Lộc bây giờ đã lên thành phố, nhưng ta vẫn quen gọi nơi ấy là phố núi B’lao. Tên gọi nhẹ nhàng như nếp sống thong thả nơi đây.

 

Không phải từ bây giờ. Đã rất lâu rồi, cây chè ở cao nguyên B’Lao luôn hiện sinh cho sức sống kỳ diệu của mảnh đất tốt lành này. Suốt từ Lộc An đến Đại Lào, từ mạn Đăng Đừng, Đạ Tồn của Bảo Lâm vắt sang Đam B’Ri của Bảo Lộc …cây chè hiện hữu như một sự màu nhiệm mà tạo hoá ban tặng cho con người nơi đây.

 
 
 
Dẫu cũng có những thăng trầm, những biến cố nhưng cây chè ở vùng B’Lao luôn gắn liền với đời sống cũng như sự thay đổi của đất và người nơi đây. Cây chè đã cắm rễ ở cao nguyên này từ rất lâu như một duyên định và cũng từ những năm 70 của thế kỷ trước thương hiệu trà B’Lao cũng đã được khẳng định bằng hương sắc, dư vị riêng biệt của mình. Những cái tên như Quốc Thái, Thuận Hữu, Đầu trâu … đã trở nên thân thuộc với nhiều gia đình Việt quen dùng trà như một nước uống thanh tao trong đời sống hàng ngày.
 
 
 


Ở B’Lao bây giờ, cây chè cũng đã thực sự mang lại nhiều sự đổi thay cho đời sống người dân. Thổ nhưỡng và khí hậu hợp với cây chè đã trở thành một lực hút với những nhà đầu tư, kinh doanh “đổ xô” về đây trồng chè. Chính những điều đó cũng đã khiến hình ảnh nông thôn nghèo, lạc hậu của những năm trước đây được thay đổi bằng diện mạo mới tràn đầy sức sống và trù phú.
 
 
 
 Nét  chấm phá thú vị, mang hồn phố cao nguyên trong đó là nét đặc trưng nhất của xứ sở này có lẽ là miền đất hứa của cây chè. Quả thật, nếu ai từng đến đây đều phải thốt lên, Bảo Lộc đúng là đô thị chè...
 
 

Mỗi lần từ đồng bằng trở về Đà Lạt, khi xe leo qua đèo Bảo Lộc là trong tôi có một tâm trạng khác lạ. Cảm giác ấy có được khi ngắm nhìn những nương chè tiếp nối nhau trải dài, xanh ngút mắt. Những lối chè thẳng hàng trên những đồi tiếp đồi như muôn ngàn thiếu nữ rẽ đường ngôi cho mái tóc xuân thì. Không gian khoáng đạt, lãng mạn và tràn đầy sức sống.

 

Tự nhiên, lòng cứ miên man về những biến dịch qua tháng qua năm của vùng đất ba-zan này, về thân phận những nông phu và cả nghiệp làm chè của những ông chủ đồn điền, các danh trà qua nhiều thế hệ. Ở phía nam, cứ nói đến chè là người ta nhắc ngay tới vùng đất cao nguyên Bảo Lộc. Không nhắc sao được khi một thế kỷ qua cây chè cùng với người dân nơi đây chia sẻ chung số phận. Ở xứ sở này, cây chè lặng lẽ với thời gian, len vào cuộc sống của mỗi con người, của mỗi gia đình, từng góc vườn, ngõ phố. Người trồng chè, chế biến trà Bảo Lộc đã bao lần lên hương và cũng bao phen khốn đốn với nghề...


Từ vùng chè Cầu Đất ở Đà Lạt trên độ cao 1.000 m so mực nước biển, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ người Pháp mà cây chè lan dài xuống vùng Di Linh rồi Bảo Lộc theo lộ trình mới mở của con đường từ Đà Lạt đi Sài Gòn những năm 30 của thế kỷ 20. Chè bắt đầu quen đất B’Lao với các đồn điền của các ông chủ đến từ phương Tây, như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierré... rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy chè, vườn chè hộ gia đình. Từ đó, ở vùng đất này đã xuất hiện đông đảo một tầng lớp cư dân chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất ba-dan đã khai mở từ gần một thế kỷ trước.

Ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp trên quê hương mình, những người trồng trà ở vùng đất này đã chọn ngay địa danh B’Lao để đặt tên cho sản phẩm của họ. Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của "thương hiệu B’Lao" mà các danh trà sau này, ngoài tên gọi cơ sở sản xuất đều dùng thêm chữ "trà B’Lao" trên bao bì sản phẩm, cho dù danh trà của họ có nổi tiếng đến mấy.

 

Đó có thể là danh trà Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, hay Rồng Vàng, Thiên Hương, Thiên Thành, Ngọc Trang... "Nếu không ghi chữ B’Lao vào bao bì thì sản phẩm như mất đi phần bản sắc quan trọng nhất và rất khó tiêu thụ". Ông chủ đời thứ ba của danh trà Thiên Hương đã khẳng định với tôi như thế. Điều đó minh chứng thêm cho sự hòa quyện máu thịt giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất ấy. Đồng thời, một lý do quan trọng khác là trà B’Lao mang dấu ấn đặc trưng riêng trong phong vị đã từng chinh phục thói quen thưởng trà của người "Đàng Trong"...

 

Nghề trồng và chế biến trà ở cao nguyên B’Lao đã thành nghiệp cha truyền con nối. Những ông chủ thế hệ đầu tiên của các danh trà nổi tiếng trên xứ sở này hầu như đã về với đất. Vẫn là những tên gọi cũ nhưng những người kế nghiệp đã sang đến đời thứ ba, thứ tư. Lão bà Đỗ Hữu, người phụ nữ từng cùng người chồng quá cố của mình lập nên một trong những thương hiệu chè hương nổi tiếng ở Bảo Lộc, trầm giọng nói với tôi: "Gần đây, bà nghe mấy đứa cháu nói rằng, ở ngoài bắc có người đã làm bẩn chè bằng cách này, cách khác. Buồn thật!... Họ làm thế là xấu hình ảnh nghề trà và xúc phạm đến cây chè! Còn những người trồng và chế biến trà gia truyền ở xứ B’Lao này, coi nghiệp làm trà là đạo!...".

 
 

Bảo Lộc là đất của cây chè và nghề chế biến trà. Ở Bảo Lộc, hơn chục năm trở lại đây xuất hiện rất nhiều doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến để làm nghề này. Họ là những ông chủ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v., đến đầu tư thuê đất đai, nhân công trồng và chế biến các loại trà cao cấp. Gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở "đô thị trà" Bảo Lộc.


 

Trà B’Lao không chỉ còn là sản phẩm tiêu thụ trong nước mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, người dân địa phương và khách thưởng thức trà nhiều miền khi nhắc đến trà B’Lao thì trong tâm tưởng của họ bao giờ cũng hiện lên hình ảnh những trang trại trà, xưởng trà, phố trà danh tiếng xuất hiện từ mấy mươi năm trước.


Ở Bảo Lộc, tên gọi của những đồn điền từ thuở nước nhà còn dưới ách đô hộ của ngoại bang bây giờ vẫn là những địa danh không đổi, như nhắc nhở về một thời nô dịch. Trên mỗi tấc đất ba-dan vẫn như còn in dấu bàn chân nặng nề của những người nông phu Kinh, Thượng thuở xưa phơi nắng, phơi sương, oằn lưng vì roi đòn, cõng cái đói nghèo truyền kiếp của kẻ nô lệ để cho bọn thực dân bóc lột, vơ vét...

 
 
 
 

Đất trà với nhãn hiệu trà B’Lao đã được chứng nhận đã và sẽ tiếp tục mang lại sự no ấm, phồn thịnh cho nhiều người dân bản địa. Phía sau vị chát đắng của những búp chè tươi trên nương là sự ngọt ngào trong đời sống của nhiều xóm làng trên cao nguyên xinh đẹp này.