BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Đình Long Thanh

Khoảng năm 1754, sau khi năm họ Mai, Hồ, Mạc, Võ, Đoàn và nhiều lưu dân khác khai phá thành lập thôn Long Thanh thì ngôi đình làng này xây cất tại vàm Bùng Binh, ấp Hưng Long. Ngôi đình đầu tiên chỉ cất tạm bằng cây lá.

Đình Long Thanh tọa lạc ở khóm B, phường 5, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, cách trung tâm thị xã 3km về phía Đông Bắc, được xây dựng năm 1754 ở ấp Long Hưng, thôn Long Thanh, do bốn họ Mai, Hồ, Mạc, Võ và những di dân đóng góp xây dựng. Đây là ngôi đình cổ nhất, lớn nhất ở vùng này được người dân chung sức xây dựng để thờ các bậc tiền nhân có công khai phá tạo dựng thôn xóm, ruộng đồng. Năm 1844, đình Long Thanh được dời về ấp Long Thanh, năm 1913, được tu sửa lại, năm 1915 hoàn thành.

 

 

Đình được xây dựng theo kiến trúc Á Đông bằng gỗ cẩm lai, căm se, thao lao, mái lợp ngói vẩy cá, gồm nhiều căn, nhiều nóc nối dọc nhau, loại hình kiến trúc thông dụng ở miền Tây Nam bộ, gồm năm căn nóc hình chóp, hai căn nóc bánh ít. Ngoài cùng là cổng và tường rào xi măng, đến sân đình, hậu cung nóc hình chóp, chính điện nóc hình bánh ít, võ quy nóc hình chóp, võ ca nóc hình bánh ít, hậu trường nóc hình chóp, đông lang và tây lang nóc hình chóp.

 

 

Hậu cung thờ các vị tiền hiền, hậu hiền có công xây dựng và giữ gìn ngôi đình, trong có ba bàn vuông với ba khám thờ chạm trổ lưỡng long triều nguyệt sơn son thiếp vàng, trước mỗi khám đặt một ngai gỗ chạm trổ hoa văn xung quanh, trên mỗi ngai có một lư hương bằng sành.

 



Chính điện thờ sắc thần và bài vị Quốc tổ Hùng Vương, bao lam, hoành phi, câu đối đều được chạm trổ hình rồng. Khám giữa thờ sắc thần, hai khám bên là tả ban và hữu ban. Hai cột cái bên trong gắn bao lam được chạm trổ sơn son thiếp vàng. Hai cột cái bên ngoài cũng gắn bao lam được chạm trổ tinh vi. Có nhiều câu đối, cũng đều được chạm trổ. Nhiều hiện vật trang trí bên trong đình đã từng được mang đi triển lãm ở Marseille (Pháp) năm 1922.

 

 

Qua bao thăng trầm, mấy cuộc chiến tranh, đình Long Thanh vẫn được bảo quản tôn tạo tốt, trở thành nơi tập trung nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng cư dân địa phương. Di tích lịch sử văn hóa này là điểm hẹn hấp dẫn, không thể thiếu với du khách khi về đất Vĩnh Long.