399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Dưới làn nước trong vắt, đám tảo và rêu uốn lượn muôn hình vạn trạng, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh và những đám mây đang lững lờ trôi trên cao. Đám cỏ năn, cỏ lác mọc lúp xúp, dập dờn theo con sóng. Nghe tiếng chèo khua đánh động, một chú chim le le bất ngờ bay vút khỏi nơi trú ẩn. Một đàn cò trắng đang nhẩn nha tìm mồi trên một đám cỏ lác. Con thuyền xuôi dần sâu vào trong. Bầu trời và ánh nắng phản chiếu dưới làn nước trong, mát lành, đàn chim chao liệng, thi thoảng có một chú bói cá đang chăm chú rình mồi rồi nhanh chóng lao mình xuống dòng nước, những chú chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt đủ màu sắc bay là là khắp mặt đầm.
Con thuyền nhỏ lách đám cỏ vào hang Cá; hang lớn nhất trong dãy núi Đồng Quyển. Hang núi này còn là nơi quần tụ của rất nhiều loài cá như cá chuối, cá trê, cá rô. Hang này nằm nửa chìm nửa nổi xuyên suốt quả núi với vô số những nhũ đá lấp lánh. Hàng chục hang động khác như hang Bóng, hang Ông Thang, hang Chanh nằm rải rác trong hàng trăm ngọn núi tạo nên nhiều điểm đến thú vị cho cuộc hành trình.
Từ trong các hang núi, một vài chiếc thuyền nan khác đang chở theo những vị khách hiếu kỳ. Trong bức tranh thiên nhiên hiện hữu, những chiếc thuyền nan tô điểm cho cảnh sắc mây trời. Đoàn thuyền cứ lặng lễ trôi theo dòng nước, theo một trật tự có sẵn từ trước, với một niềm khát khao là trở về với cội nguồn con người gần hơn với thiên nhiên.
Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ.
Vân Long còn được đánh giá là khu bảo tồn các giá trị văn hoá, lịch sử
và là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Vân Long điểm đến cho những kỳ nghỉ cuối tuần, cho những người hiếu kỳ sống ở những nơi đô thị phồn hoa, ồn ào và vội vã. Vân long xứng đáng được bảo tồn và gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Vân Long - bức tranh quê tuyệt đẹp
Vân Long được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1998. Năm 1999, nơi đây trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước và danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam.
Hiện tại, Vân Long được chính phủ Hà Lan, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng quý hiếm Cúc Phương hỗ trợ việc bảo tồn các loài thú quý hiếm.
Từ năm 1960, một tuyến đê dài hơn 30 km được đắp bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy, biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500 ha, kéo những loài chim di trú dừng chân kiếm ăn trên đường tránh rét. Những quả núi bị cô lập thành những đảo đá giữa thung nước mênh mông đã “tình cờ” trở thành cứu cánh cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi bàn tay triệt phá của con người.
Nhưng sự tình cờ đáng giá nhất phải kể đến khi các chuyên gia nước ngoài phát hiện Vân Long có tới hơn 40 cá thể voọc mông trắng đang sinh sống. Phát hiện này làm giới khoa học ngỡ ngàng, bởi voọc quần đùi trắng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, có tên trong sách đỏ thế giới. Trước đó, loài linh trưởng này chỉ được biết đến ở VQG Cúc Phương.
Việc nghiên cứu khu vực đầm Vân Long đã đưa các nhà khoa học từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi động thực vật nơi đây rất đặc trưng cho hai hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của vùng châu thổ sông Hồng. Ngoài voọc mông trắng, tại Vân Long còn nhiều loài động, thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam như tuế lá rộng, mã tiền, lát hoa, gấu ngựa, báo gấm, kỳ đà hoa…
Đặc biệt, ở đây còn có một loài côn trùng gần bị coi là tuyệt chủng, đó là loài cà cuống thuộc họ chân bơi. Nơi mà loài cà cuống này sống được phải có môi trường nước thật sự trong lành.
Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy.
Khu Vân Long có 1000 hang động đẹp, nhiều hang động lớn có giá trị phát triển du lịch như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250 m, cao 8 m, rộng 10 m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100m, hang Duối 4 tầng, hang Cánh Cổng…