BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang thuộc xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được xây dựng từ thế kỷ XVII, là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại của tỉnh...

Đình Thổ Tang thuộc xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được xây dựng từ thế kỷ XVII, là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, thờ thành hoàng Phùng Lộc Hộ đô thống Đại Vương tức Lân Hổ Hầu - một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông ở phòng tuyến Gia Ninh thế kỷ XIII.

 

Lễ hội đình Thổ Tang tổ chức vào ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Trong lễ hội có lễ rước kiệu từ miếu trúc về đình làng và các trò chơi thi lợn, dưa hấu, trò vui diễn xướng dân gian, chọi gà, đấu vật..Du khách muốn đến đình Thổ Tang có thể xuất phát từ thủ đô Hà Nội tới trung tâm thành phố Vĩnh Yên, đi khoảng 20km dọc theo quốc lộ 2A rẽ trái theo đường 305 là sẽ tới đình Thổ Tang.

 

Nội thất

 

Đình Thổ Tang kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, cửa hướng Tây Nam, gồm hai tòa Đại Đình và Hậu cung. Đình dài 25,8m, rộng 14,2m, nền được bó vỉa bằng đá xanh, kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc. Đại đình gồm năm gian, hai dĩ với 60 chiếc cột to làm bằng gỗ tốt, từ nền đình tới nóc cao 7m. Cột cái có đường kính 0,8m, cao 5m, cột con có đường kính 0,61m. Ngoài kiến trúc cổ độ sộ, gia cố bền chắc, đình Thổ Tang còn được trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc cực tinh tế sinh động với nội dung phong phú sâu sắc.

Một số điêu khắc gỗ trên điện thờ, mây mũi mác thời Lê

Đình Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh phúc), có thể coi là ngôi đình đẹp nhất tỉnh Vĩnh phúc hiện còn với các trang trí mỹ thuật tinh xảo xoay quanh các đề tài sinh hoạt của con người như "chèo thuyền", "bắn hổ", "đấu vật"... Đình hiện còn 21 bức chạm trên gỗ rất đẹp, sống động, nội dung phản ánh phong phú, khái quát về chu trình lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp nước ta thời Lê Trung Hưng.

 

Một số bức chạm trổ điêu khắc nổi tiếng như: cảnh đi cày, chăn trâu, đánh ghen, vũ nữ cưỡi rồng, vợ chồng lười, cảnh con mọn, cảnh nghỉ ngơi sau giờ lao động, cảnh đá cầu, đấu vật, múa, bắn hổ, đánh cờ uống rượu… thể hiện nghệ thuật chạm trổ tinh vi qua bàn tay khéo léo đạt đến trình độ điêu luyện, tài ba của các nghệ nhân xưa.

 

 

 

Bức ngày hội xuống đồng chạm trên một kẻ nghé ở hè đình ngay sau cửa ra vào, bức chạm dài 1,5m, rộng 0,7m, 25 nhân vật trên tác phẩm đều được chạm bong sinh động, phản ánh ngày hội xuống đồng đầu năm. Trong đình gian cạnh, phía bên phải là bức bắn hổ có kích thước 0,8 x 0,6m, chạm một người và một con hổ trên một vách đá cheo leo.

 

 

Bức chạm Ðá cầu tả cảnh đá cầu, được đặt ở ngách cột cái gian cạnh hình vuông, mỗi chiều dài 0,4m, thể hiện hình ảnh hai người đá cầu khá đẹp cùng những động tác vô cùng sống động. Thu hút sự quan tâm của du khách khi đến thăm đình là bức chạm Múa có kích thước 1,05 x 0,7m với hai người đang trong động tác múa uyển chuyển, đầu chít khăn, tay cong xòe rộng, một người ngồi xem tay vuốt râu, dưới là một con rồng.

 

 

 

Cửa võng đình Thổ Tang được chia làm 3 tầng chạm trổ tinh tế, tầng trên chạm hai con rồng lớn và 18 rồng con đang vờn ngọc, tầng giữa chạm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên có 2 con phượng đang bay, tầng dưới chạm lục tiên, cửu trùng, gai dứa rất đẹp mắt và sống động. Bên trái cửa võng gần hậu cung còn có bức chạm cảnh sinh hoạt của đời sống nông thôn Việt Nam dài 1,4m, rộng 0,75m, thể hiện cảnh một gia đình với trung tâm bức chạm là hình ảnh một đôi trai gái đang tình tự. Bốn góc bức chạm tả các sinh hoạt trong cuộc sống gia đình: từ cảnh chồng đèn sách, vợ chăm con...

 

 

Một điều rất đặc biệt nữa ở đình Thổ Tang đó là bức hoành phi với ba chữ "Hòa Vi Quý" thể hiện một triết lý nhân sinh sâu sắc chỉ thấy có ở đây. Bức hoành phi có xuất xứ khá thú vị: "Hồi ngôi đình mới làm xong lúc này dân trong làng rất hay đánh lộn, anh em mất đoàn kết, hàng xóm ghen ghét nhau, vào đúng lúc đó có viên Tổng đốc Sơn Tây kinh lý qua. Biết vị tổng đốc là người hay chữ, dân làng thỉnh cầu ông cho chữ hoành phi. Sau khi nghe kỳ mục bẩm báo tình hình mọi mặt của làng, vị Tổng đốc nhíu mày suy nghĩ rồi viết luôn 3 chữ: "Hòa Vi Quý". Thấy nghĩa chữ hay quá, dân làng phẩn khởi lập tức khắc ngay vào bức hoành phi treo lên và mở luôn hội khánh thành đình. Và thật lạ, tự nhiên sau đó trong làng yên ắng hẳn không còn chuyện đánh lộn thường xuyên như trước, tình hình đó được duy trì cho mãi tới nay".