BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Đình Mông Phụ

Đến thăm Đường Lâm ta sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể những di tích kiến trúc cổ đặc sắc của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ với rất nhiều đền chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà cổ …Nhưng trong quần thể kiến trúc đó nổi bật hơn cả là Đình Mông phụ. Nơi đây chính là hình ảnh tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ đặc sắc của người Việt xưa.

Theo lời kể của các cụ già trong làng thì đình được xây dựng từ năm 1553 dưới thời vua Lê Thần Tông đình thờ Đức Thánh Tảng  - đệ nhất phúc đẳng thần -một vị đứng đầu trong tứ bất tử của người Việt. Và đến đời vua Tự Đức thứ 12, năm Kỷ Mùi 1859 đình được mở rộng, xây thêm đình ngoài và hai nhà tả hữu mạc ở hai bên, xây tường hoa xung quanh và bốn cột trụ trước cửa, có đắp câu đối và phù điêu nổi hình tạo thành một khối kiến trúc hoàn chỉnh và khép kin. 


Cổng đình
 

Đình Mông Phụ có quy mô lớn nhất xã Đường Lâm.được tọa lạc ngay trong trung tâm làng Mông phụ .Theo lời của cụ Phan Văn Tích (xóm Hề, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) -một người trông coi đình làng nhiều năm cho biết: Đình tọa lạc ở vị trí đầu rồng nằm hai bên hông đình còn có hai cái giếng cổ được coi như mắt rồng.

 


Nhà đại bái
 

Đình gồm có hai toà đại bái và hậu cung, một gian hai chái lớn và cả hai toà nhà đều được làm theo kiểu 4 lá mái với họa tiết trang trí bay bổng hình mây cuộn. rồng bay.Đình được lợp bằng ngói di xếp vảy cá. Trên thân các cột xà, thanh xà đều được trạm khắc hết sức tinh sảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng . Có thể nói đây chính là hình mẫu tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc trên gỗ hết sức tinh vi của người Việt cổ. Cụ Phan Văn Tích có kể lại rằng những tác phẩm điêu khắc độc đáo, tinh vi trong đình là của cụ Mục Hùng -một người thợ cả tài hoa, có bộ óc sáng tạo và có đôi bàn tay vàng, ông đã có công trực tiếp vẽ mẫu và hướng dẫn nhóm thợ mộc làng Mía xây dựng ngôi Đình này. 

 

Điêu khắc hình đầu rồng

 

Ngôi đình được xây dựng mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt – Mường, có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiến trúc nhà sàn, gỗ lát sàn trước là gỗ ba phân có nẹp gian, sau này được tu bổ lại và đổi thành gỗ bốn phân không có nẹp gian.Sàn nhà còn có lan can tiện gỗ bao quanh. 

 

Sàn nhà được bao quanh bởi hàng rào gỗ

 

Nhà Đại bái của Đình được dựng bởi bốn mươi tám cột gỗ, mỗi cột có đường kính tầm 50-60 phân trên có trạm khắc nhiều hoa văn hình rồng bay, phượng múa. Tuy nhiên, do sư bào mòn của thời gian mà những họa tiết mày đã mờ dần.Đa số các cột trụ trong đình đều đã được thay mới do hầu hết chúng đã bị mối mọt và hư hỏng nặng. 

 


Cột trụ
 

Đình Mông Phụ còn được trang trí bởi rất nhiều bức hoành phi,câu đối tiêu biểu như bức hoành phi “lão long huấn tử” (rồng già dạy con) hay bức hoành phi với 4 chữ “Dũng cảm cả tưởng” do vua Thành Thái ban tặng cho Làng sau một trận săn bắt cướp.

 


Bức hoành phi với bốn chữ "Dũng - Cảm - Cả - Tưởng"
 

Đình ngoài có 5 gian và 2 chái. Kết cấu bên trong theo lối “chồng giường- giá chiêng”. Đây là kiểu kiến trúc truyền thống rất phổ biến của nghệ thuật kiến trúc đình cổ của dân tộc.Đình ngoài thường là nơi tụ họp của bà con dân làng những lúc nông nhàn ngồi chơi vãn chuyện hay khi có việc làn, hội đình.

 


Đình ngoài với kết cấu "chồng giường - giá chiêng"
 

Bao quanh đình là một hệ thống hàng rào xây bằng đá ong , loại đá đặc trưng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc tại khu vực này. Hàng rào đá ong này đã mang lại cho ngôi đình một nét trầm mặc cổ kính,một nét đẹp không giống bất cứ ngôi đình nào trên đất nước Việt Nam. 

 

Chính lối kiến trúc cổ truyền và đặc sắc của đình Mông Phụ mà vào ngày 20/5/1991 đình làng Mông Phụ được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích quốc gia cần được bảo tồn.Nhà nước đã đầu tư  11 tỉ đồng cho việc trùng tu và tôn tạo Đình làng, với mục đích là gìn giữ những di sản văn hóa vô giá của dân tộc . Đình được tu sửa trong vòng 3 năm từ 2004-2007.Đình Mông Phụ không chỉ có một ý nghĩa tinh thần to lớn đối với con người của mảnh đất này mà nó còn có một giá trị sâu sắc đối với mỗi người Việt Nam yêu quý những giá trị văn hóa truyền thồng của dân tộc.Có thể nói đình Mông Phụ chính là tinh hoa của kiến Trúc Việt.

 

Theo mytour.vn