BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Chợ Viềng

Chợ Viềng thuộc thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh, trước đây chợ còn có tên là chợ chơi du xuân (du xuân thị). Bao quanh là cả một quần thể di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - Thần chủ Ðạo Mẫu Việt Nam, nên cùng với việc đi chơi chợ là hoạt động lễ Mẫu để Người ban cho sức khoẻ và tài lộc. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp có đúng một phiên thôi, một phiên chợ kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tết. Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm, và cũng có thể là lỡ cả một đời người.

Có một phiên chợ đầu năm và chứa đựng nhiều giai thoại, phiên chợ mà kẻ bán người mua không cốt lấy hàng, lấy tiền. Đó chính là phiên chợ Viềng (Vụ Bản - Nam Định) diễn ra từ đêm 20-2 đến chiều 21-2 (tức nửa đêm mùng 7 đến chiều mùng 8 Tết Âm lịch hằng năm). Đây là một phiên chợ văn hóa thu hút rất đông người dân tham dự.

 

Mới chập tối mùng 7 dòng người kéo từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã ken cứng chợ.

 

 

Đi phiên chợ duy nhất trong năm để "mua may, bán rủi", nên hầu hết những người có mặt tại phiên chợ đều tìm mua một vật gì đó để lấy may cho gia đình và bản thân. Hoa và cây cảnh luôn là lựa chọn số một của các gia đình ở thành phố, thanh niên và những người buôn bán, còn đối với những người làm nông nghiệp thì thường chọn một nông cụ hay một giống cây trồng ăn quả nào đó với mong muốn một mùa màng bội thu.

 

Tại chợ, nhiều chủ gian hàng quảng cáo những món đồ cổ với giá tiền triệu.

 

Với hàng nghìn gian hàng đầy đủ các chủng loại từ cây cảnh, hoa, đồ dùng gia đình, cũ có mới có, cổ có, giả cổ cũng không hiếm, Chợ Viềng đã đem lại không khí sôi động và vui tươi trong những ngày đầu năm mới. Giá các loại hàng hóa ở đây khá đa dạng từ vài nghìn, vài trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng và thường đắt hơn ngày thường. Bình thường một chậu xương rồng hay hoa đá chỉ khoảng 7.000 đồng nhưng ở chợ Viềng phải 15.000 đồng. Nhưng tâm lý đi chợ cầu may nên đa số chỉ cố chọn cho mình một thứ gì đó phù hợp, dẫu biết là đắt.

 

Về chợ Viềng háo hức tìm những món đồ cổ ưng ý.

Những chiếc đồng hồ này trị giá gần 500.000 đồng.

Nhiều người tìm mua những đồng xu cổ có trị giá vài chục nghìn đồng.

 

Món hàng được hầu hết các du khách chọn mua ở chợ Viềng là những đồng tiền may mắn. Người ta tin rằng phải mua đủ bộ 5 đồng xu tượng trưng cho Sinh - Lão - Bệnh - Tử - Sinh thì mới may mắn, thiếu một đồng là mất may cả năm. Giá của cả bộ cũng chỉ khoảng 20 nghìn đồng.

 

 

Dân Nam Ðịnh đi chợ Viềng đầu năm đã đành, người tứ xứ từ Hà Nội vào, Thanh - Nghệ ra, Hải Phòng - Quảng Ninh lên, ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để mong có lộc cho cả năm buôn may bán đắt; để chơi, để kiếm món đồ có giá hời, thậm chí chỉ để lấy tiếng là đã đi chợ Viềng. Chợ là hai dãy quán chủ yếu là tre, nứa dựng tạm ở bên lề đường, chạy dài suốt 5km với đầy đủ sắc màu. Chợ cũng bày bán đủ mọi thứ hàng hoá, nhưng điều đặc biệt ở đây là cả người bán lẫn người mua đều không đặt mục đích lợi ích kinh tế lên trên hết. Ðến chợ Viếng vào xuân, mục đích chính là để cầu mong phát tài phát lộc. Ðó chính là lợi ích tinh thần, chỉ cần tham dự chợ là đã được xem là có may mắn trong cả năm.

 

Mua những quả cầu may mắn cho mình và để làm quà ngày đầu xuân.

 


Tiếng là chợ nhưng ở đây người ta không mua, bán những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép... càng không phải là các thứ hàng cao cấp, xa xỉ. Chúng đơn giản chỉ là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất tiểu nông như cái cày, cái cuốc, cái dao, cái liềm, cái thúng, cái mủng... hoặc là một số giống cây trồng, vật nuôi như cây chanh, cây ớt, các loại cây cảnh, cây ăn trái... bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng...

 

Đến chợ, dù đắt rẻ ai cũng cố mua một cây cảnh lấy lộc.

Cây này được giao đắt nhất chợ (3 triệu đồng).

Những cây hoa đá có giá 15.000 - 20.000 đồng.

 

Những người buôn bán ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình cũng cơm nắm cơm đùm đi từ sáng sớm để kịp buổi chợ. Những người ở tỉnh xa hơn như Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang phải đến từ chiều hôm trước tìm nhà nghỉ trọ.

 

 


Suốt cả vùng từ đêm trước phiên chợ ánh điện chan hoà. Những người buôn bán đến Viềng dù xa hay gần, thuận lợi hay cách trở, đến đây mọi người đều mang thứ đặc sản của quê hương mình tham gia phiên chợ. Chợ Viềng dù chỉ một ngày phiên nhưng hàng hóa thì ngàn vạn, quán ăn hàng quà rải suối ba cây số.


Mua kiềng lấy may trong năm.

Mua Thúng hy vọng năm mới thóc, gạo đầy thúng trong nhà.

 

Dân trong vùng và xung quanh mang các thứ cần dùng cho đời sống, công việc và học tập của con cháu hàng ngày để mua, bán, trao đổi. Từ các loại cuốc, xẻng đến bát, đĩa, rổ, rá, áo quần, giầy dép cho tới quyển sách, cái bút tồi cây kim, sợi chỉ càng có mặt trong ngày phiên chợ. Trong chợ còn có bán cả các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của từng vùng như rau cần Thiệu Vịnh, bồ, đó Văn Tập, vó lưới Bồng Làng.

 

 

 

 

Người ta đến chợ  Viềng Phủ Dầy không chỉ để mua bán mà còn  để đi lễ phủ, cầu may, cầu lộc đầu xuân. Theo dân gian thì đến giờ Tý (khoảng 12 giờ  đêm), Chúa Liễu Hạnh sẽ hiển linh, khi đó cầu xin mới thành. Cho nên, du khách khắp nơi cố chen chân để được vào lễ phủ đúng giờ Tý.
 
 
 
 

Phiên chợ "bán  điều rủi, mua sự may" đã trở thành một nét văn hoá đẹp của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Đã thành một thói quen, những người đi chợ Viềng về đều mang theo những cành lộc xanh tươi đầu năm mới, xua đi những điều không may mắn trong năm qua, rước về nhà niềm hạnh phúc, an bình trong năm mới.

 

 

 

 

Phiên chợ chỉ họp một đêm duy nhất đã để lại trong lòng những ai đến chợ những cảm xúc khác nhau. Không ít người chỉ đến chợ một lần cho biết thế nào là chợ "cầu may", nhưng nhiều người năm nào cũng phải tới đây để “tâm được an”. Bởi vậy, chợ Viềng đến phiên vẫn họp.