BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Dương Văn Hữu

Anh hùng lao động, nông dân Dương Văn Hữu, còn gọi là Hai Hữu sinh năm Quý Hợi (1923), người ở Láng Cò, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Tiểu sử

Dương Văn Hữu và giống nếp Láng Cò - Ảnh: tư liệu

Năm 1982, ông Hai Hữu được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Ô Môn mời đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước - tỉnh Tiền Giang) xem thí nghiệm 76 giống lúa chịu phèn, kháng rầy.

Ngay từ khi đến đây, ông chỉ chú ý đến bụi lúa lá đứng thẳng trong đám lúa trồng thí điểm, vì có lần ông nghe giáo sư Võ Tòng Xuân thuyết giảng lúa lá thẳng thường là giống tốt, chịu đựng được mọi điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. Ông Hai Hữu xin kỹ sư canh nông Bùi Bá Bổng (nay là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) bứng bụi lúa này về nuôi dưỡng trên đất Láng Cò. Bụi lúa năm đó cho ông 230 hạt, ông lấy 10 hạt cà ra gạo và phát hiện đây không phải là giống lúa như các nhà khoa học đã gọi, mà nó là một giống nếp hạt tròn.

Ông chọn ra 100 hạt nếp mới đem gieo trên một và chăm sóc kỹ, nghiên cứu vào vụ hè thu năm 1982. Tất cả đều phát triển tốt nhưng bị chuột phá hoại hết một nửa, cho nên ông chỉ thu được có 7 kg nếp. Sau đó, với 7 kg nếp này, ông nhân giống tiếp vụ đông xuân, thu được kết quả là 70 kg. Sang năm sau, ông phân phát cho bà con mỗi người 2-3 kg để trồng thử. Kết quả thu được thật bất ngờ. Đây là một giống nếp có sức sống mãnh liệt, chịu hạn, chịu phèn, kháng rầy tốt, chịu được môi trường sống khắc nghiệt. Điểm đặc biệt của loại nếp này là vừa dẻo vừa xốp, ai thích ăn gạo dẻo thì có thế nấu làm cơm ăn hàng ngày, ai thích nấu xôi, làm bánh, nấu rượu thì lấy nó làm nguyên liệu vẫn tốt.

Năm 1985, viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đặt tên giống nếp quý này là OM85, còn người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác trong cả nước thì quen gọi là nếp Láng Cò. Năng suất của giống nếp này càng ngày càng tăng.

Năm 2001, nếp Láng Cò được nông dân các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Linh, Cần Thơ, Tây Ninh và các huyện ngoại thành thành phố Hồ CHí Minh trồng đại trà.

Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống trong nước, nếp Láng Cò còn được xuất khẩu sang thị trường nước láng giềng như Lào và các nước Đông Nam Á.

Vào thập niên 1980, mặc dù trình độ văn hóa chỉ lớp 3 trường làng nhưng ông Hữu đã tự nghiên cứu thành công giống lúa kháng rầy, cho năng suất cao, ký hiệu IR 08-2-2-3. Sau đó, ông tiếp tục nhân giống nếp mang tên nếp ông Hai Hữu, được các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mua về nhân rộng cho đến nay.

Vì những thành tích trên, ông Hữu được Thủ tướng, Bộ khoa học công nghệ và môi trường (cũ), Hội Nông dân Việt Nam tặng nhiều bằng khen. Ngày 22-3-2002, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Ngày 4-8-2010, ông mất do bệnh nặng, hưởng thọ 87 tuổi.

Tâm sự và trăn trở

Nói về giống nếp này, ông Hai Hữu bộc bạch: “Trong suốt 34 năm tham gia nhân giống, tôi ưng ý nhất là nếp Láng Cò, bởi vì nó không có biểu hiện thoái hóa như những giống lúa khác. Trung bình, một giống lúa mới kháng rầy, có năng suất cao, được lai tạo từ các trung tâm nghiên cứu chỉ tồn tại tối đa là 7 năm, sau đó thoái hóa dần. Còn nếp Láng Cò thì đã 27 năm rồi mà vẫn chưa hề hấn gì”. Khi ông phải nhập viện chống chọi với những căn bệnh của tuổi già nhưng ông không quên bảo con cháu mang đến giường bệnh mấy bông nếp Láng Cò. Có người hỏi tại sao, ông mỉm cười, bảo: “Vì nó là niềm tự hào, là lẽ sống của tôi!”.

Hiện nay, nếp Láng Cò đang thực hiện thủ tục đăng kí thương hiệu độc quyền. Đây là một điều cần thiết để đảm bảo giá trị cho giống lúa nếp quý này.