399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Để bắt được cá này có nhiều cách, như kéo lưới dày, dùng đơm, vợt, câu ... nhưng câu vẫn là cách bắt ưa thích hơn cả, vì cá bắt được khi đem về chế biến vẫn còn sống, tươi và không bị vỡ bụng. Gặp khi cá đói, chỉ cần buông câu xuống và nhấc câu lên ngay thì đã có ba bốn con cắn đuôi nhau bị lôi lên bờ. Nếu câu đúng chỗ, chỉ cần ngồi nửa tiếng đã có gần cả ký cá. Thường ở quê, mùa hè là mùa chính để đi câu cá này, vừa giải trí vừa có cái ăn. Cứ độ ba bốn giờ chiều là bờ sông, bờ đập lại lao nhao tiếng con nít người lớn. Một người câu thì phải có một người nhặt cá, vì cá này nhỏ, chỉ giật lên bờ là chúng tự nhả mồi ra rồi rớt xuống đất, giật một lần có khi ba bốn con theo lên bờ nằm, nên vừa câu vừa nhặt rất mất thời gian. Lũ con nít được người lớn cho đi nhặt cá thì thích chí lắm, chúng vừa nhặt cá vừa hò hét hả hê, tiếng cười giòn tan của chúng vang động cả bến câu.
Cá bắt được đem về cho vào mẹt, chà đi chà lại cho tróc hết vảy, rửa sạch mà không cần phải làm ruột, vì ruột cá rất nhỏ mà trứng cá chiếm chủ yếu khoang bụng. Chính phần trứng cá này mới làm nên vị thơm bùi ngầy ngậy của món ăn. Sau khi chà vảy xong, sửa sạch để ráo. Dùng một cái nồi đất, cho cá vào, thêm nước nắm ngon, gia vị gồm đường, bột nêm, ớt, tỏi, tiêu, hành lá. Chú ý không được cho nước lạnh vào, vì sẽ làm món ăn mất ngon. Chỉ kho cá với nước nắm ngon, không cần thêm muối.
Lửa riu riu cho đến khi cá chín đều, bốc mùi thơm phức, còn nước kho sánh keo lại như mật ong là vừa độ.
Món cá bống kho keo này ăn với cơm nguội vào ngày mưa thì tuyệt không gì bằng. Muốn ngon hơn có thể ăn thêm với rau sống, hay chấm với cà pháo, dưa chua cũng rất hợp vị.