399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Bánh coóng nếu gọi tên cho đầy đủ phải là bánh coóng bột đậu nành. Vì nguyên liệu làm bánh là bột gạo, bột đậu nành và trứng. Gạo phải là thứ gạo lúa mùa, đặc biệt nếu có được giống gạo “sa mo” ngày xưa thì tuyệt vời. Nhân bánh thì là đậu xanh đã đồ chín, thịt nạc xay hoặc bằm nhuyễn, hành củ phải là loại hành tím Vĩnh Châu, và tép thì phải chọn loại tép bạc đất to. Khuôn bánh có hình ống, làm bằng thiếc, vì vậy mà có tên gọi là bánh coóng.
Nguyên liệu là vậy, nhưng ngon hay dở còn phụ thuộc vào cách làm. Làm sao để có được cái bánh coóng vàng rộm, thơm phức với nhân bánh được bố trí đều và đẹp thì lại là nhờ sự khéo léo khi nhận bánh vô coóng trước khi đem chiên. Bánh được nhúng vào chảo dầu ăn hoặc mỡ nóng sôi. Khi bánh chiên gần vàng, người ta trút ngược coóng xuống để bánh trôi lên chảo đang sôi cho tới khi vỏ bánh có màu vàng.
Bánh coóng được ăn kèm với rau sống, thường là cải xà lách, rau thơm, vài cọng hẹ... và đặc biệt là cải “tùa xại”. Loại cải này có vị cay nồng sực lên mủi khiến người ăn ngây ngất. Nước chấm ngon phải được pha chế từ nước mắm Phú Quốc chính hiệu mới được.
Ăn bánh coóng có thể là ăn chơi, nhưng để ăn thay bữa cơm chính thì vẫn tốt bởi khá đủ chất dinh dưỡng cho một khẩu phần và cũng dễ tiêu, không bị đầy bụng.