BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Bánh canh Nam Phổ

Ở Huế, có nhiều làng nấu bánh canh nổi tiếng như Nam Phổ (xã Phú Thượng), Thủy Dương, An Cựu... Trong đó bánh canh Nam Phổ, An Cựu là bánh canh gánh, người bán hàng tự chế biến, tự nấu rồi gánh đi bán. Tuy dân dã, nhưng bánh canh Nam Phổ lại nổi tiếng khắp nơi.

Từ hàng trăm năm nay, nấu bánh canh bán dạo đã trở thành nghề gia truyền của người làng Nam Phổ. Dù đơn giản, nhưng để nấu được một nồi bánh canh Nam Phổ cũng khá công phu.

Nguyên liệu chính của món này là tôm tươi, loại tôm sống ở đầm, cho thịt đậm đà, đặc biệt là không tanh. Thịt heo cũng phải là thịt ba chỉ vừa nạc, nhưng mỡ phải dày. Tôm và thịt heo mua về được trộn đều giã nhỏ, ướp gia vị vừa phải và viên tròn thành chả. Trong quá trình giã nhuyễn có trộn lẫn một ít hạt điều để tạo màu.

bánh canh Nam Phổ - nguồn: flickr.com

Bột bánh canh được làm từ gạo tẻ nguyên chất. Xay nhuyễn rồi nhồi cho thật dẻo, cắt thành từng sợi vuông nhỏ hơn đầu đũa một chút. Đun nước cho thật sôi (để nước thêm ngọt, người ta dùng nước hầm từ xương heo) thì bắt đầu cho bột vào và hạ dần lửa. Khi bột vừa chín, bỏ tôm và thịt đã viên tròn vào nồi. Do hạt điều trong chả viên, từ màu trắng nồi bánh canh chuyển dần sang đỏ sậm. Ngay cả phần thịt heo nạc giã nhỏ trông cũng có màu đỏ như tôm. Dùng vá khoắng chậm và đều cho đến khi bánh canh có độ sền sệt là vùi lửa để giữ nóng. Khi ăn, múc ra bát, rắc thêm chút hành ngò và tiêu.

Một bí quyết nữa làm nên sức hấp dẫn của tô bánh canh Nam Phổ chính là chén nước mắm ớt được pha chế đơn giản. Chỉ cần một chén nhỏ nước mắm cốt được làm từ con huyết Cửa Thuận, có màu vàng sậm như rượu vang, thêm một vài lát ớt xanh thơm hăng hăng là có thứ gia vị ngon lành.

Giữa tiết đông giá, Huế lạnh như cắt, cứ một bát bánh canh Nam Phổ đỏ sậm, nóng hôi hổi, chan lên vài thìa nước mắm ớt, vừa ăn vừa xuýt xoa, mới hay cái ngon ở đời đâu cần những thứ cao sang, mà đơn giản chỉ là những món ăn giản dị đời thường.