BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Bánh căn

Bánh căn là một món bánh phổ biến ở hầu như khắp các tỉnh miền Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận. Bánh có hình dáng và cách chế biến gần giống với món bánh khọt ở Vũng Tàu.


Nguyên liệu chính làm bánh căn là bột gạo tẻ. Gạo đem ngâm nước cho mềm, xay thành dạng bột lỏng. Bí quyết để bánh ngon, giòn, nở là khi pha bột làm bánh, người ta cho thêm một ít bột cơm nguội phơi khô qua nhiều nắng. Nước chấm bánh căn có nhiều loại, gồm: mắm nêm, mắm đậu phộng, mắm chanh ớt và đặc biệt là nước cá kho.

Ðể đổ bánh căn, người ta dùng một lò đất nung, thân tròn, đáy bầu dục gồm 3 phần: phần nắp hình tròn, gọi là khuôn bánh (ổ bánh); mặt ổ khoét 10 lỗ tròn đều nhau, trên đó đặt 10 chén đất cạn đáy, có nắp đậy; phần thân lò để chứa than hồng, có lỗ thông gió; phần đáy lò ngăn cách với thân lò bằng 1 vỉ đục lỗ để tro than rơi xuống đáy lò.

Khuôn bánh đặt trên lò than hồng. Phải chờ cho tới khi các chén đất đã thật nóng, khuấy đều bột và dùng chiếc vá múc bột đổ vào từng chén. Thao tác này cần nhanh và chỉ đổ bột khoảng phân nửa chén đất, để bánh nở căng đầy chén là vừa. Mỗi lần đổ bột vào khuôn, người đổ bánh dùng cây que đầu có quấn bông nhúng vào đĩa dầu phụng hay đĩa mỡ heo thoa lên mặt khuôn để cho bánh róc lúc chín dễ bóc ra, không bị dính.

Bánh chín rất nhanh. Khi chín, bột nở vừa chén đất, trắng nuột và xốp, có lỗ bọt li ti trên mặt bánh. Vỏ bánh phải vàng ruộm, vừa giòn, vừa xốp, vừa dẻo.

Bánh căn phải ăn ngay khi còn nóng thì mới ngon. Tuy nhiên, ăn bánh căn ngon nhiều hay ít có một phần rất lớn phụ thuộc vào nước chấm.

Thường thường người ta dùng nước kho cá, có chế biến thêm gia vị hoặc có nơi thì dùng nước mắm pha thêm đường cát trắng nấu sôi cho thêm cà chua phi dầu phụng, ớt và chanh tươi... Bánh ăn kèm với khế chua, chuối chát thái mỏng, dưa chuột, rau răm, rau húng, giá chần, xà lách...