399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Hội Trường Yên diễn ra hàng năm vào đầu tháng ba âm lịch, chính hội ngày mồng 10 tháng ba, tại mảnh đất cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt xa xưa - nơi có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Tương truyền, ngày 10/3 là ngày vua Đinh lên ngôi Hoàng đế.
Hình thức của lễ hội gồm có: Lễ rước nước, Lễ dâng hương, Lễ rước lửa, Tập trận cờ lau, Tế nữ quan, Kéo chữ, múa rồng lân, thổi cơm thi và những tiết mục biểu diễn, thi đấu quen thuộc đối với nhiều lễ hội truyền thống dân gian khác. Hai nghi lễ trang nghiêm là lễ rước nước và lễ tế.
Rước nước
Tế lễ
Vào giờ phút thiêng liêng trong ngày 10 tháng 3, đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng, đi đầu là cờ ngũ hành, cờ hành thuỷ (màu đen) đi giữa, sau đến đoàn múa rồng biểu hiện cho ý thức cầu nước và là biểu tượng vật thiêng (rồng vàng) từng cứu Đinh Tiên Hoàng thuở hàn vi; rồi tới phường bát âm đi hàng đôi, tiếp theo đến kiệu long đình do bốn chàng trai khiêng, trên đặt một cái choé để đựng nước Thánh, đoàn rước tiến về phía sông Hoàng Long.
Mâm ngũ quả tiến Vua tại đền Đinh.
Đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai mạc.
Khi đoàn rước đến sông Hoàng Long, xuống thuyền. Đoàn rước có một thuyền rồng (thuyền chính) chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống sông tạ ơn Hà Bá. Tiếp đó người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào choé qua một lớp vải đỏ trên miệng. Nước trong vòng tròn vải đỏ là được lọc qua lớp vải sẽ càng tinh khiết hơn. Khi nước đã đầy choé, các thuyền tản ra, quay mũi về bến, riêng thuyền rước choé nước còn quay sang bên trái rồi mới trở lại bến cũ và tiếp tục cuộc rước nước về đền.
Cuộc rước nước truyền thống hàng năm biểu hiện mối liên hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng, bao hàm những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ tế tại đền Vua Lê.
Lễ tế diễn ra vào ban đêm cùng lúc ở hai đền vua Đinh và đền vua Lê. Bài văn tế chia thành chín đoạn (cửu khúc). Sau khi chủ tế xướng xong một đoạn có hai người phường nhà trò (một nam - đàn; một nữ - hát) diễn giải lại nội dung đoạn văn tế bằng điệu ca trù.
Màn trình diễn tại lễ hội do Nhà hát chèo Ninh Bình thực hiện.
Đã ngót một nghìn năm, kể từ khi kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô, phong sương, hoài niệm, những âm thanh của trống hội Thăng Long vẫn luôn cộng hưởng, hùng tráng, khoan nhặt cùng tiếng trống rước nước ở Hoa Lư để hướng về cội nguồn, thêm đậm đà bản sắc dân tộc.
Chơi cờ người tại Lễ hội.
Khách trảy hội có thể tham dự các trò vui, cuộc đấu như: võ, vật, đua thuyền, đu bay, hát chầu văn, bình thơ, thi thơ, trò kéo chữ, múa gậy, múa rồng, múa lân hoặc chơi cờ người...
Độc đáo nhất của hội Trường Yên là trò "Cờ lau tập trận", diễn lại sự tích quãng đời chăn trâu thuở nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Trường Yên.
Lễ thả Rồng.
Mùa xuân trẩy hội Trường Yên cũng là dịp du khách đi thăm di tích đền vua Đinh, đền vua Lê, thăm lăng vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên, độ cao khoảng 150m, tưởng nhớ về nguồn cội, tổ tiên - một vùng đất “địa linh nhân kiệt”.