399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Lễ hội đền Vua Bà là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của làng Viêm Xá (Hoà Long-Yên Phong). Hội đền Vua Bà cũng là hội Quan họ duy nhất trong vùng Quan họ, bởi đây là lễ hội Thuỷ tổ Quan họ. Mọi hoạt động trong lễ hội đều liên quan trực tiếp tới Quan họ.
Từ sáng sớm, các liền chị chít khăn mỏ quạ, khuôn mặt rạng ngời, e ấp sau vành nón quai thao, duyên dáng trong bộ áo tứ thân rực rỡ sắc màu, cùng các liền anh khăn xếp áo the, hát những làn điệu quan họ đón chào khách thập phương.
Hội đền Vua Bà được tổ chức vào các ngày mùng 6, 7 tháng hai âm lịch. Truyền rằng, ngày mùng 6 là ngày Đức Vua Bà được trời giáng xuống ấp Viêm Trang (làng Viêm Xá ngày nay). Bà là công chúa con gái vua Hùng Vương. Khi bà xấp xỉ tới tuần cập kê, có rất nhiều người đến cầu hôn. Vua cha liền tổ chức hội cướp cầu để chọn phò mã. song bà không ưng thuận lấy người thắng cuộc và xin với vua cha cho đi chu du trong nước. Bà và các thị nữ vừa rời khỏi kinh thành thì có cơn giông mưa to, gió lớn ập đến, cuốn cả đoàn người lên trời, rồi lại giáng xuống ấp Viêm Trang.
Viêm Trang khi đó là vùng đất hoang dã, cây đước, lau sậy um tùm, rậm rạp. Bà cho khai phá đất hoang, bờ bãi, lập lên đồng ruộng, làng xóm, dựng vợ, gả chồng cho mọi người. Bà lại dạy người dân nơi đây cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía kéo mật. Bà sáng tác ra các bài ca và dạy nam thanh nữ tú hát. Sau khi Bà mất dân làng lập đền thờ tôn vinh bà là Đức Vương Mẫu, Vua bà- Thủy tổ Quan họ, và là thành hoàng của làng.
Ngày chính hội là mùng 6, nhưng từ chiều hôm mùng 5, dân làng đã tổ chức lễ mở cửa đền và lễ dâng hương, lễ cầu mưa rửa đền. Người làng Viêm Xá tin rằng lễ cầu mưa rửa đền này rất hiệu nghiệm. Quả thực, đêm ngày mùng 5, rạng ngày mùng 6 chẳng mấy năm không có mưa. Sáng hôm sau khi đám rước Vua Bà khởi hành, cũng là lúc trời quang mây tạnh.
Lễ tế thần vào sáng mùng 6 bao giờ cũng có hát Quan họ ca ngợi công Đứa Vua Bà, cầu Đức Vua Bà cho mưa thuận gió hoà để mùa màng bội thu. Hát thờ ở hội đền Vua Bà chỉ được sử dụng giọng La rằng (làng Viêm Xá gọi là giọng A rằng). Về sau dân làng còn dựng và diễn sự tích Vua Bà ở ngoài trời, không diễn ở trong đền. Trong diễn tích có cả những câu thuộc hệ thống giọng lẻ, giọng vặt mang nội dung giao duyên nam nữ.
Hội Diềm được bắt đầu với nghi thức mở cửa đền Vua Bà (bà tổ của dân ca quan họ). Theo tuần tự, dân làng tổ chức lấy nước ở giếng Ngọc trong đền làm lễ rước nước quanh làng, qua đình làng, đền Cùng rồi lại quay về đền Vua Bà. Trong hành trình rước lễ, người dân và du khách được hoà mình vào không gian đậm đặc chất quan họ.
Ngoài ao làng, nơi đền Cùng hay là đi vào trong làng, từ khắp các ngõ nhỏ ở đâu cũng vang lên những giai điệu đằm thắm, mượt mà của những bài quan họ cổ.
Mỗi năm, làng Diềm có đến 4 lễ hội vào các tháng Giêng, Hai, Ba, Tám và điều đặc biệt là lễ hội nào cũng có sự tham gia của Quan họ và đều ca theo lề lối truyền thống. Giữ gìn được lối sinh hoạt truyền thống này bởi làng Diềm vừa duy trì được các mối quan hệ, giao lưu vốn có, vừa mở rộng giao lưu với Quan họ các làng lân cận nên vào ngày hội.
Có thể nói, Quan họ là “nam châm” thu hút khách thập phương của Hội Diềm. Ca hát Quan họ là hoạt động xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội. Chẳng vậy mà Hội Diềm tuy chỉ mang tính chất lễ hội của một làng song lại trở thành điểm hẹn văn hoá của hàng nghìn lượt khách thập phương.