399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Lễ hội gội đầu hay lễ hội Lúng ta là một lễ hội của đồng bào Thái trắng, tại bản Chẩu Quân, thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La Đánh dấu thời điểm qua năm, rũ bỏ cái cũ, đón nhận cái mới. Lễ gội đầu được tiến hành từ trưa ngày cuối cùng trong năm, người Thái đánh dấu ngày đó lại có lễ gội đầu.
Lễ hội gội đầu trước đây diễn ra vào chiều 30 Tết âm lịch. Theo lịch Thái Mường Chiên, hết chiều 30 Tết là sang ngày mới. Nó tựa như thời khắc giao thừa vậy. Mọi nhà làm những việc cúng dỗ tổ tiên, chuẩn bị đón tết, tắm gội để được mặc quần áo mới. Bà con các bản đua nhau đánh trống, chiêng, rồi hò reo đón năm mới. Lễ hội còn tổ chức múa xoè, làm nghi lễ cúng thần sông, thần suối, kèm theo là tổ chức các trò chơi dân gian. Từ già trẻ, gái trai, mọi thành viên trong bản đều tham gia lễ hội gội đầu.
Quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là lễ quan trọng mở đầu của các lễ hội trong năm. Bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.
Trước đó hàng tuần đã vo gạo nếp lấy nước. Nước gạo được đổ vào cất nồi cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn, để càng chua càng tốt. Đó là nước gội dành cho đàn bà con gái. Nước tắm thường là nước thơm của cây mùi già. Còn đàn ông nước gội là bồ kết. Người ta nướng bồ kết rồi bẻ ra ngâm vào nước đun sôi, mọi người đều mặc áo váy đẹp.
Phụ nữ trong mặc cóm khẩu, áo ngắn trong là khẩu nọi ngoài còn khoác Slửa luông (một loại áo dài của người Thái) vải đen, từ hai vai có hai dải màu buông xuống trước ngực trông rất điệu đà. Ngày nay slửa luông cũng có người may cải tiến thắt đáy ở eo lưng, không thẳng vạt như các áo cổ xưa. Đàn ông thì mặc giản dị hơn, áo mới vải đen, nút vải, đầu quấn khăn màu tối.
Trước đây, trong lễ hội gội đầu, đàn ông (chủ nhà) mang súng kíp ra bờ sông bắn đón năm mới, nay không bắn súng mà được thay bằng thi bắn nỏ, đánh trống chiêng. Họ đem theo túi thổ cẩm nhỏ gọi là “Thung Xanh” (túi đựng bùa hộ mệnh và vật thiêng-theo quan niệm của người Thái). Để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, người Quỳnh Nhai vẫn tổ chức lễ hội Lung Ta (lễ hội gội đầu) rất bài bản vào chiều 30 Tết hàng năm.
Ngay từ sáng sớm, bên cây cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà có trụ cao nhất Việt Nam, hàng ngàn bà con các xã vùng ven hồ thuộc huyện Quỳnh Nhai đã đến xem, cổ vũ. Việc tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu là để đáp ứng mong muốn của người dân, đồng thời để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá các dân tộc khi bà con phải rời quê đến nơi ở mới, nhường sông Đà để làm hồ thuỷ điện Sơn La.
Trong buổi lễ, ông chủ mo còn kể về công lao của Nàng Han, một vị nữ tướng, con gái của một tộc trưởng đóng giả trai tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, đuổi đến tận bờ cõi Mường Xo (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết âm lịch. Buổi chiều ngày đó, Nàng Han ban lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Từ đó đến nay người Thái vùng sông nước Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La), Mường Lay, Mường Xo, Mường Tè (thuộc 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) vẫn còn lưu lại phong tục này, đó là lễ Lung Ta (xuống bến nước làm lễ gội đầu).
Thầy mo chuẩn bị, bao kiếm của tổ tiên, vai vác cây súng kíp, thông seng ở thắt lưng (thông seng là cái túi nhỏ có trang trí hoa văn bằng chỉ ngũ sắc) trong đựng của quí như tiền vàng bạc. Thông seng được coi như túi ngọc quí đeo bên người, là vật đạn bắn không thủng.
Người đứng đầu bản hoặc Ông thầy mo đi đầu dẫn đoàn, trống hai người khiêng. Trống đánh nhịp ba và đệm một nhịp chiêng. Đoàn người làm lễ gội đầu lặng lẽ theo hàng một đi ra bờ sông như một đám rước. Họ vác theo bắng nước gội, tay cầm một cành lá xanh là dùng trong nghi thức lễ gội đầu.
Đến bờ sông, đàn ông và các bé trai đi ngược lên phía thượng nguồn chừng dăm chục mét. Đàn bà và các bé gái ở phía dưới dòng. Lúc này, người chủ lễ mới hát lên lời khấn thần linh, đại ý : Năm mới sắp đến, bà con dân bản hãy xuống sông gội đầu. Theo đó, già trẻ, gái trai, là nam thanh nữ tú khiêng trống, chiêng vừa đi vừa khua đi trước, mọi người theo sau xuống bến.
Bắt đầu việc gội đầu. Phụ nữ cởi áo yếm, từ từ bước xuống dòng sông. Nước ngập đến đâu thì váy vén đến đó. Họ từ từ cúi đầu xỏa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên mái tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Tất cả những gì không may mắn trong năm qua giờ đây không còn là nỗi bận lòng, nó sẽ được xua đi hết. Những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ được xối từ từ, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi.
Sau khi gội đầu xong, tất cả mọi người đều tham gia các hoạt động như ném còn, tó má lẹ, múa xoè cùng các trò chơi dân gian khác. Mọi người từ bến về đến nhà bắt đầu chuẩn bị cúng giỗ tổ tiên. Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới bắt đầu được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ và cúng tổ tiên, đón năm mới tại gia đình. Việc sau cùng diễn ra bên dòng sông là giặt rũ tất cả quần áo váy cho sach sẽ trước khi ra về để hoàn tất lễ gội đầu tất niên.
Lễ hội còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Quỳnh Nhai. Lễ hội này mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện lòng thiện của con người, yêu hòa bình, mong muốn cho bản thân và mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp, có sức khỏe và may mắn.