BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Du lịch
  • Khu du lịch thắng cảnh Yên Mô

Khu du lịch thắng cảnh Yên Mô

Yên Mô là một huyện vùng trũng phía nam của tỉnh Ninh Bình. Hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, động Mã Tiên, Cửa biển Thần Phù ở Yên Mô là Những địa danh tuyệt đẹp, chứa đựng biết bao huyền thoại và chứng tích lịch sử, cách thành phố Ninh Bình khoảng 20 km về phía đông nam.

Yên Mô nằm bên dãy núi Tam Điệp địa hình không bằng phẳng, đa dạng và phức tạp, do là đoạn cuối cùng của dãy Trường Sơn từ Hoà Bình đổ về và chạy ra tới biển. Đây là vùng đất cổ, do hiện tượng tạo sơn mà thành, có nhiều núi đá vôi trữ lượng hàng triệu mét khối. Xen kẽ núi đá vôi là các đồi đất, thung lũng hẹp và những hang động đẹp nổi tiếng như động Trà Tu, động Ninh Hinh ...

Bên cạnh đó những thắng cảnh không thể chối từ như hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, cửa biển Thần Phù, động Mã Tiên là những điểm đến hết sức hấp dẫn.


Chạy dài dưới quả đồi của hai xã Yên Thành và Yên Thắng, huyện Yên Mô là hồ Yên Thắng, diện tích mặt nước 180 ha và 240 ha đồi cây xung quanh, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hài hoà, môi trường sinh thái trong lành.

Hệ thống đập tràn

Hệ thống hồ Yên Thắng vừa mới được sửa chữa, nâng cấp thành một công trình thuỷ lợi chống lũ, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân các xã Yên Thắng, Yên Thành, Yên Hoà của huyện Yên Mô. Với một hệ thống đập tràn, tưới tiêu, hệ thống giao thông thuận lợi chỉ cách thị xã Ninh Bình 15 Km, hồ Yên Thắng hứa hẹn là một điểm du lịch sinh thái, môi trường du lịch cuối tuần để vui chơi giải trí cho du khách trong và ngoài nước.

 


Động Mã Tiên ở lưng chừng núi Mã Tiên (núi Roi Ngựa) ở thôn Mã Tiên, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô. Men theo khoảng gần 100 bậc đá, bên sườn núi mới đến được động Mã Tiên. Cửa động cao đến 15m, rộng 10m, trông giống miệng của con cá khổng lồ đang há rộng.


Nền hang ở động này trũng xuống, không được bằng phẳng, chứa đựng nhiều khối đá lớn nhỏ muôn hình muôn vẻ và đặc biệt có những tảng đá lớn nhấp nhô như một đàn voi đang nô đùa. Từ nền hang đi qua một cửa hang hẹp sẽ bước lên tầng 2 của động Mã Tiên, cao hơn, có đến 5 buồng hang cao, thấp, rộng, hẹp. Mỗi buồng hang là một cảnh sắc khác nhau, đầy mới lạ.


Tầng 2 của động ở phía Tây được gọi là nơi tiên ở. Buồng của tiên ở cao nhất, mát nhất. Trong động có "giếng ngọc" lúc nào cũng có nước trong xanh. Toàn bộ động Mã Tiên không chỉ có một cửa hang, mà còn có đến 3 cửa lộ thiên trên đỉnh núi nên lúc nào cũng sáng, mát mẻ, không khí trong lành.


Cách thành phố Ninh Bình khoảng 25km về phía Đông Nam, hồ Đồng Thái nằm trên địa bàn của hai xã Yên Đồng và Đồng Thái, rộng hơn 350ha sát dãy núi Tam Điệp hùng vĩ. Hồ không chỉ phục vụ tưới tiêu cho xã Yên Đồng và các xã phụ cận mà còn có thể tận dụng để nuôi thủy sản, mỗi năm mang lại cho nhân dân địa phương hàng trăm tấn cá. Hồ Đồng Thái còn có tiềm năng du lịch sinh thái rất tốt.


Du khách ngồi thuyền trên mặt hồ nhìn cảnh non xanh nước biếc, rất nồng nàn thi vị trong giang sơn cẩm tú. Mặt hồ trong xanh, in hình những đám mây bay lơ lửng giữa bầu trời, du khách có cảm giác như đang bay nhẹ theo mây, mơn man làn gió thổi dịu dàng của chuyến đi du lịch sinh thái bổ ích. Đi qua hồ vào chân núi, du khách sẽ lên thăm động Mã Tiên.


Tương truyền, vua Hùng mang quân đi Nam chinh qua vùng cửa biển Thần Phù gặp gió to, sóng dữ, không đi được, may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi ban sự trở về, đạo sĩ đã mất ở dọc đường. Vua Hùng cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân” (Người dẹp yên được sóng dữ). Hiện nay đền thờ vẫn còn ở thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo thư tịch cổ, đầu Công nguyên vùng biển Thần Đầu (đến thời Lê đổi tên gọi là cửa Thần Phù) nằm trên đường hành quân xâm lược của Đại Hán do lão tướng Mã Viện cầm đầu.



Tháng 11 năm 43 (SCN), sau khi tiêu diệt xong lực lượng kháng chiến của Hai Bà Trưng, Mã Viện trực tiếp chỉ huy 20.000 quân cùng 2.000 tàu thuyền lớn nhỏ tiến vào Cửu Chân (Thanh Hoá) tiến đánh lực lượng kháng chiến của lão tướng Đông Dương bằng hai đường thuỷ, bộ. Cánh quân bộ bị chặn đứng lại trước núi rừng vùng Tam Điệp ngày nay. Cánh quân thuỷ bị chao đảo trước sóng to, gió lớn của biển Thần Đầu (Thần Phù). Mã Viện phải sai quân đào sông qua dãy núi đá vùng này mà thư tịch cổ gọi là Tạc Khẩu.

Đi thuyền xem chữ Thần trên vách đá ở cửa biển Thần Phù.

Vào cuối thế kỷ thứ X, khi Đinh Tiên Hoàng vừa mới mất (năm 979), tên phản thần Ngô Nhật Khánh cùng quân Chiêm Thành tiến ra Hoa Lư đánh tiêu diệt triều nhà Đinh, nhưng vừa tới cửa Tiểu Khang (cửa Thần Phù) thì bị gió bão đánh chìm. Nhật Khánh chết đuối, chúa Chiêm may mắn thoát nạn.

 

Chữ Thần trên vách đá ở cửa biển Thần Phù.

Địa danh Thần Đầu (Thần Phù), cửa biển Tạc Khẩu, cửa Càn… vẫn trường tồn trong lịch sử vùng quê Ninh Bình. Những chứng tích lịch sử mà  Thần Phù ghi nhận là niềm tự hào của quân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước.