399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Ngược quốc lộ 2B, chúng tôi về Tây Thiên vào một ngày cuối tháng Tư. Nắng vàng như mật đổ xuống những cánh đồng lúa xanh ngát. Con đường trải nhựa đen tựa dải lụa dẫn khách hành hương tìm về cõi Phật. Khu danh thắng Tây Thiên thuộc địa phận xã Đại Đình, huyện Tam Dương (nay là Tam Đảo), tỉnh Vĩnh Phúc.
Khu danh thắng Tây Thiên có diện tích khoảng 148ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Tương truyền từ xa xưa, Ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Đời vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân (trên đỉnh núi Tam Đảo) để cầu tự khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu - (Bà được sinh ra từ khí thiêng của núi rừng Tam Đảo, chuyên trừ bạo cứu dân, phổ độ dân chúng) đã rước bà về làm vợ.
Bước vào khu di tích du khách bắt gặp cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền Cung (nhân dân vẫn quen gọi là đền Thõng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã Tuyền). Ngược lên phía trên là Thác Bạc - dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên, với độ cao hơn 40m nước đổ xuống trắng xoá như giát bạc, chảy ra hợp lưu với suối vàng ở Hồ Sen rồi chảy ra khe Giải Oan. Ngược lên Đầm Sen, Ao Dứa, núi Rùng Rình, nơi đây còn lưu giữ một hệ động thực vật rất có giá trị. Từ đây ngược lên khoảng 3 cây số nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về hai pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra lời giải.
Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu.
Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiểu lục" đã nói về Tây Thiên: "…bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa".
Ngày 12 tháng 2 năm Giáp Thân, ngày chính hội Tây Thiên (1/4/2004) các nhà sư ở đây cùng với các hoà thượng ở Thiền viện Đà Lạt đã cùng đặt những viên đá đầu tiên tiến hành khởi công xây dựng khu thiền viện lớn nhất Việt Nam với tổng kinh phí lên đến hơn 30 tỷ đồng do các tăng ni, phật tử trong và ngoài nước đóng góp. Khi làm lễ khởi công, trên nền ngôi chùa cổ các nhà sư đã tìm được vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có hoa văn mang dấu ấn của thời Trần.
Tuy nhiên, còn một vấn đề vướng mắc là dự án xin mở đường lên đỉnh núi (bởi không thể chuyển trăm tấn vật liệu xây dựng lên đỉnh núi bằng tay), nơi có Thiền viện toạ lạc thì chưa được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phê duyệt vì đây là khu rừng quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhà chùa và Ban quản lý di tích sẽ cố gắng đảm bảo việc mở đường vận chuyển nguyên vật liệu lên công trình đảm bảo ảnh hướng ít nhất đến hệ động thực vật của rừng quốc gia và sau khi công trình hoàn thành, nhà chùa sẽ có trách nhiệm trồng lại (ở Đà Lạt và Yên Tử cũng vậy).
Cùng với dự án xây dựng khu du lịch Tam Đảo II và hệ thống cáp treo từ thị trấn Tam Đảo sang khu Rùng Rình; Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và hệ thống các đền, chùa Tây Thiên hứa hẹn một loại hình du lịch mới sẽ phát triển ở đây: "Du lịch tâm linh".