BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Giếng ngọc cá thần

Gần đây, dư luận cả nước xôn xao về chuyện xuất hiện 3 “ông cá", được coi là cá thần, đã sống trong giếng Ngọc (làng Diềm, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh), gần ngàn năm nay. Mỗi ngày, có đến cả trăm, thậm chí, trong những ngày cuối tuần, có cả ngàn người kéo về chiêm ngưỡng dung nhan các “ông cá”. Sự thực về 3 chú cá, mà người dân làng Diềm tôn kính gọi bằng ông này ra sao?

Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên Ngay giữa khoảng sân rộng, mặt tiền các di tích, là giếng Ngọc cổ kính rêu phong. Dưới làn nước trong xanh leo lẻo, 3 “ông cá” bơi lội tung tăng, lúc lặn mất tăm, lúc nổi lều phều lên mặt nước hít thở. Nhiều người đứng quây quần bên giếng, chiêm ngưỡng dung nhan các “ông cá” với thái độ thành kính.

 

 

Đền Cùng nơi có giếng Ngọc và hai ông cá thần


Công ty dược phẩm An Thiên Giếng Ngọc (làng Diềm, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) chỉ rộng chừng 20m2, hình bán nguyệt, gồm 11 bậc xây bằng gạch, 4 bậc đá và bậc cuối cùng bằng gỗ. Hai bên cửa xuống giếng dựng hai hòn đá, đẽo gọt hình “sinh thực khí”.

 

 



Xưa kia, lan can giếng Ngọc được làm bằng gốm sứ, song mấy trận lụt làm vỡ, nên được xây lại bằng gạch cho chắc chắn. Các bậc gạch cũng mới được xây dựng hơn trăm năm nay, còn bậc đá, và đặc biệt là bậc gỗ, bậc cuối cùng, thì không biết có từ khi nào. Trải qua cả trăm năm, thậm chí có thể là ngàn năm, dù lúc nào cũng chìm trong nước, song khúc gỗ vẫn nguyên vẹn, không hề mục nát.

Từ bậc gỗ trở xuống là lòng giếng. Toàn bộ lòng giếng là đá ong tự nhiên. Đáy giếng gồ lên ở giữa, lõm xung quanh, giống vết chân trâu dẫm.

 

 
Dù mùa mưa hay mùa khô, mực nước trong giếng Ngọc cũng không thay đổi.


Có người còn ví von đây là giếng "chung thủy" (trước sau như một) vì một điều khá đặc biệt là quanh năm suốt tháng, dù mùa mưa hay mùa khô, mực nước trong giếng cũng không thay đổi, luôn giữ độ sâu 6m. Dù mưa to đến mấy cũng không tràn, dù khô hạn cả năm giếng vẫn ăm ắp nước.

Gần đáy giếng Ngọc có một cái hang nhỏ, hướng về phía đền Cùng, thờ hai nàng công chúa, người chui vừa, song độ sâu chỉ chừng 2m. Từ cái hang này, mạch nước nhỏ chảy ra đều đặn.

 

 


Nhân dân trong vùng vẫn dùng nước giếng Ngọc. Mặc dù đã có nước máy về từng gia đình, song người dân chỉ dùng nước máy tắm giặt, còn ăn thì bằng nước giếng Ngọc.

Theo các cụ già làng Diềm, nước trong giếng bắt nguồn từ hai ngọn núi Kim Sơn và Kim Lĩnh, thấm qua lớp đá ong nguyên thủy dưới lòng đất, nên trong vắt, rất ngọt. Từ xưa đến nay, người dân làng Diềm vẫn giữ thói quen

 

 
Phần lan can được xây lại bằng gạch sau khi trận lũ phá hủy lan can bằng gốm.

 

Các bô lão trong làng dùng nước giếng Ngọc để pha trà, còn đàn bà phụ nữ thì gánh về gội đầu. Chị em phụ nữ kể rằng, gội đầu bằng nước giếng Ngọc, không cần dầu gội, dầu xả, tóc cũng mềm mượt, lại chẳng có gầu.

Theo lời bác Nguyễn Ngọc Bích, thủ nhang của cụm di tích, dù tìm khắp nước Việt, cũng không tìm ra nguồn nước nào pha trà ngon như nước giếng Ngọc. Nước giếng Ngọc dùng pha trà không những rất ngọt mà còn giữ được màu chè nguyên bản

 

 
Đàn ông lấy nước pha trà, đàn bà lấy nước gội đầu.

 

Để thuyết phục tôi, bác Nguyễn Ngọc Bích đã nấu nước giếng Ngọc pha trà. Quả thực, tôi cảm nhận rõ vị ngọt thanh của chén trà, dù loại trà pha chế không phải hảo hạng.

Riêng du khách và người dân làng Diềm thì không cần nấu chín nước, cứ cầm cốc xuống giếng múc uống luôn. Đến giờ giải lao, tan học, học sinh trong trường cấp 1 và 2, cách giếng Ngọc không xa, lại kéo nhau ra giếng Ngọc múc nước uống. Mặc dù trường học đã phục vụ đầy đủ nước sạch, song các em học sinh lại chỉ thích uống nước giếng. Ban quản lý cụm di tích đã phải trang bị cả chục chiếc cốc nhựa để đáp ứng nhu cầu những người mê nước giếng Ngọc.

 

 
Vô tư thưởng thức nước giếng Ngọc.

 

Tôi cũng múc một cốc nước giếng Ngọc, nơi 3 “ông cá” đang tung tăng bơi lội nếm thử. Phải công nhận nước giếng Ngọc có vị ngọt, uống xong mát lịm cuống họng và đầu lưỡi, ngon hơn các loại nước khoáng, nước tinh khiết khác rất nhiều.

 

 


Du khách đến đây đều tin rằng, những “ông cá” sống dưới giếng Ngọc là cá thần, do đó, giếng cũng là giếng thần và tin luôn nước dưới giếng cũng là nước thần, nên không những múc uống no nê, mà còn mang can đến múc đem về. Để phục vụ chu đáo du khách, mỗi ngày, ban quản lý cụm di tích làng Diềm phải mua hàng trăm chiếc can nhựa, chất đầy trong phòng, bán lại cho du khách với giá hợp lý, để du khách múc nước mang về lấy lộc. Một số hộ gia đình ở làng Diềm cũng chất đống can nhựa trong nhà, nhằm bán cho du khách kiếm lời.

 

 
Ban quản lý di tích phải mua can để phục vụ du khách.


Bác Bích kể rằng, có người ở Hà Nội, tuần nào cũng đánh xe lên tận làng Diềm, chở lô lốc những can, rồi múc nước giếng Ngọc chở đi. Ông ta bảo rằng, dùng nước giếng Ngọc pha trà uống, nên bị nghiện, không có nước giếng Ngọc, không uống nổi trà nữa.

 


Cận cảnh một ông cá.

 

Có một điều đặc biệt, mà người dân làng Diềm ai cũng biết và ấn tượng, đó là các “ông cá” chỉ chung thủy với giếng Ngọc, nhất định không chịu đi đâu.

Tổng cộng đã có 3 trận lũ khủng khiếp, vào các năm 1945, 1957 và 1971. Khủng khiếp nhất là trận lụt năm 1957 do vỡ đê Mai Lâm và trận lụt năm 1971 do vỡ đê sông Hồng. Hai trận “đại hồng thủy” đó đã nhấn chìm cụm di tích này đến tận nóc. Miệng giếng Ngọc thì chìm dưới vài mét nước.

 

 

Đã 3 lần ngập lụt, song các "ông cá" vẫn chung thủy với giếng Ngọc làng Diềm.

 

Sau mỗi trận lụt, dân làng lại dọn dẹp, thau rửa phù sa nhầy nhụa khắp nơi, rồi tát giếng Ngọc để thau rửa. Cả 3 lần người dân làng Diềm đều vô cùng kinh ngạc, khi tận mắt 3 “ông cá” vẫn bơi lội tung tăng trong giếng, trong khi, các ao cá của dân đã sạch trơn cá mú.

 

 

 

Có một điều đặc biệt nữa, đó là, chỉ có duy nhất 3 “ông cá thần” này sống được ở giếng Ngọc, các loài khác không bén mảng đến giếng. Trong giếng không có bất kỳ con ốc, nhái, ếch nào. Vào tháng 3, mưa rào, chẫu chuộc, nhái bén đẻ đầy bờ ruộng, nhảy cả vào giếng nước của dân, thế nhưng, tuyệt nhiên chưa từng có con gì xuống giếng Ngọc.
Đã 3 lần ngập lụt, song các "ông cá" vẫn chung thủy với giếng Ngọc làng Diềm.

 

 

 

Đã có thời gian, sau khi họp đông đủ các cụ bô lão, dân làng đã quyết định thả thêm 4 cá chép nữa, gồm cả đực lẫn cái, để các “ông” có thêm bạn hiền, đỡ cảnh sống cô độc. Biết đâu, các cuộc hôn phối diễn ra, lại cho ra đời một đàn “cá thần” nữa, thì quả là quý giá. Tuy nhiên, 4 con cá chép thả xuống cứ nổi lều phà lều phều, liên lục ngớp kiểu sắp chết.

 

 

 

Biết rằng 4 con cá chép này không hợp với môi trường nước của giếng Ngọc, nên mọi người quyết định vớt lên rồi phóng sinh xuống sông. Vừa thả xuống sông Cầu, 4 chép đã quẫy oảng một cái rồi mất tăm mất tích.

Nhiều người trong làng Diềm và du khách cũng đã thả rùa xuống giếng Ngọc, song y rằng, mấy con rùa, kể cả loài rùa tai đỏ hung dữ, sẵn sàng đớp chết cá lớn, cũng lổm ngổm bò lên bờ. Chúng chạy một mạch ra cánh đồng cách giếng Ngọc không xa.

 

 

Trên đầu các ông cá có chữ lạ?

 

Hiện tại, chưa ai dám chắc chắn 3 “ông cá thần” trong giếng Ngọc là loài cá gì. Người thì khẳng định, các “ông cá” rất giống với loài cá ở “suối cá thần” trong Cẩm Thủy (Thanh Hóa), người thì bảo đây là loài cá chép.

Ông Phó Chủ tịch xã Đỗ Văn Hoan cũng bảo, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu, nên chưa có kết luận chính xác về giống loài của 3 “ông cá”.

 

Đền thờ hai nàng công chúa biến thành cá.

 

Về trọng lượng, mỗi “ông cá” nặng chừng 2kg. Về hình dáng, khá giống cá chép, tuy nhiên, thân lại dài hơn cá chép thường và chẳng “ông cá” nào có vẩy. Các “ông cá” đều có màu sắc lạ. Hai “ông” thân màu đen, có điểm một số vệt đỏ ở khắp thân. “Ông cá” còn lại thì nhiều màu đỏ hơn. Tuy nhiên, “ông cá” có màu sặc sỡ này cũng không giống loài chép vàng, chép đỏ mà nhân dân thường cúng trong ngày ông Táo.

Theo bác Nguyễn Ngọc Điệp, thủ nhang của đền Cùng, trên đầu các “ông cá” đều có chữ lạ, kiểu như chữ Hán cổ. Tuy nhiên, những chữ lạ đó là chữ gì thì mỗi người nói một kiểu, chưa chắc chắn.

 

 

Dù hòm công đức được để trên thành giếng...

 

Dù bảng nội quy rõ rành rành...
 

Các “ông cá” đều có cái mõm dài, trông như cái loa, râu cũng dài đến 2-3cm. Thi thoảng, các “ông cá” lại dí mõm vào tường gạch để rỉa. Bác Điệp cũng khẳng định rằng, các ông cá chỉ ăn rong rêu, sinh vật phù du trong giếng Ngọc, chứ không ăn những thứ du khách ném xuống giếng. Chính vì thế, Ban quản lý di tích nghiêm cấm việc du khách ném đồ ăn xuống giếng, để tránh nước bị ô nhiễm.

 

 

Song du khách vẫn vô tư rải tiền xuống giếng.

 

Quy định cấm ném thức ăn xuống giếng được du khách thực hiện nghiêm túc, song không cản nổi việc du khách rải tiền xuống giếng. Mặc dù đã có tới 2 chiếc hòm công đức đặt ở thành giếng và 2 tấm biển ghi rõ “Quý khách không thả tiền xuống giếng”, nhưng du khách vẫn vô tư rải tiền xuống. Ông Bích lắc đầu ngán ngẩm: “Chuyện đặt lễ cầu phúc lộc liên quan đến tâm linh, nên ngăn cản khó lắm. Cứ một chốc một lát chúng tôi lại phải vớt tiền lên, kẻo ô nhiễm nước trong giếng. Còn tiền xu thì mỗi khi tát giếng, với được cả thúng, han gỉ hết!”.

Theo tục lệ từ xưa đến nay, cứ vào tiết Thanh Minh, mùng 3-3 âm lịch, dân làng Diềm lại tổ chức tát giếng, làm sạch nơi ở cho các “ông cá”.

 

 

Chiếc cối đá này là "nhà tạm" của các "ông cá" trong ngày 3-3 âm lịch.

 

Việc tát giếng diễn ra khá cầu kỳ. Dân làng chọn những trai thanh, gái lịch làm nhiệm vụ tát giếng. Âu chứa nước được mang ra, rồi nam thanh nữ tú xếp thành nhiều hàng, trai múc nước, chuyền tay cho các cô gái, đến khi nào cạn nước mới dừng lại. Các âu nước được chuyền tay theo nhịp những làn điệu dân ca “vang rền nền nảy” của quan họ làng Diềm.

 

 

 

Điều đặc biệt, các cô gái đang đến ngày hành kinh sẽ không được phép đến gần giếng Ngọc, chứ đừng nói đến chuyện tát nước. Theo các cụ già trong làng, truyền thuyết kể rằng, hễ cô gái nào “đến ngày”, động vào giếng Ngọc, nước sẽ lập tức đổi màu. Những ngày bình thường, chị em “đến ngày” cũng không dám xuống giếng, mà phải nhờ người khác múc nước giúp.

Khi tát cạn giếng, các “ông cá” được đưa lên cối đá cổ đặt cách giếng chừng 20m. Một người đức cao vọng trọng trong làng sẽ được cử xuống giếng thau rửa. Sau khi thau rửa giếng sạch sẽ, nước ngấm xâm xấp giếng, các “ông cá” mới được đưa trở lại “ngôi nhà” của mình. Quá trình phải ở trong cối đá là khá lâu, song các “ông cá” vẫn sống khỏe.

 

 

Du khách chuẩn bị lễ vật cúng "cá thần" cầu phúc lộc.

 

Ngoài việc làm nơi ở tạm của các “ông cá” trong ngày 3-3 hàng năm, thì chiếc cối đá này còn có một nhiệm vụ khá đặc biệt. Các chàng trai trong làng Diềm, khi đi hỏi vợ, phải tự tay đem gạo nếp ra cối đá rồi dùng nước giếng Ngọc vo gạo, đồ xôi. Xôi nếp thơm lừng được nấu bằng nước giếng Ngọc, vo bằng cối đá làng Diềm là thứ không thể thiếu trong lễ vật của nhà trai.

 

 

 

Theo ông Nguyễn Viết Bân, nguyên Giám đốc trung tâm Cá giống Nhật Tân, chuyên gia cá hàng đầu Việt Nam, ở miền Bắc nước ta, xuất hiện nhiều loại cá chép lạ, chẳng hạn cá chép không vẩy, hoặc trên thân có chỗ có vẩy, có chỗ không có vẩy, hoặc thân thể loang lổ nhiều màu sắc.

Nhiều người nhìn loài chép này thấy lạ, thậm chí sợ hãi, cho đó là cá ma, hoặc thần thánh, song thực tế chúng hoàn toàn là cá bình thường. Theo ông Bân, loài chép không vẩy, thân thể loang lổ là loài chép được lai tạo giữa chép Hung-ga-ry, chép Việt Nam và chép Indonesia.

 

 

"Cá thần" trong giếng Ngọc được cho là cá chép.

 

Năm 1972, các nhà khoa học Hung-ga-ry đã tặng Viện Nghiên cứu thủy sản I (ở xã Đình Bảng, Bắc Ninh) 4 cặp cá chép có nguồn gốc từ Hung-ga-ry. Loài chép này mình ngắn, nhẵn nhụi, không có vẩy, lớn nhanh, ăn tạp, sống khỏe.

Các nhà khoa học đã đem cá chép Hungary lai với chép Việt Nam thịt thơm ngon, nhằm tạo ra giống chép mới cho năng suất và chất lượng cao.

Đến năm 1986, giống chép mới này lại được lai với cá chép Indonesia tạo ra giống chép mới nữa. Những con chép không vẩy chính là gene lặn không vẩy từ đời tổ tiên của chúng lại thể hiện ra trong các thế hệ bây giờ.

 

 

 

Theo ông Nguyễn Viết Bân, loài chép không vẩy, còn một loại cá chép trông khá kỳ dị với lớp da loang lổ, nhiều màu sắc, trông rất lạ, có vẻ giống với các “ông cá” ở giếng Ngọc.

Kỳ thực, đây là loại đột biến sắc tố trong cấu trúc di truyền của giống cá chép Hung-ga-ry lai với chép Việt. Vì chép Việt màu hồng, chép Hungary màu đen, nên khi bị đột biến sắc tố, sẽ cho ra một loài có màu sắc loang lổ như vậy.

 

 

 

Như vậy, có thể nói, không những ở giếng Ngọc, mà nhiều ao hồ, sông suối ở miền Bắc nước ta đều có loài cá chép lạ, với thân thể loang lổ, không có vảy. Tuy nhiên, điều khó hiểu là loài cá chép lạ này chỉ xuất hiện ở nước ta chưa đến 40 năm nay, song 3 “ông cá” trong giếng Ngọc, theo lời kể của các bô lão làng Diềm, thì đã có tuổi hàng trăm, thậm chí theo truyền thuyết thì đã có cả ngàn năm nay!

Sự thật về 3 “ông cá” trong giếng Ngọc hiện vẫn chìm trong bí ẩn. Tuy nhiên, dù sao, truyền thuyết về các “ông cá” cũng là một câu chuyện đẹp, khiến cho quần thể di tích làng Diềm thêm phần quyến rũ, hấp dẫn du khách xa gần.