BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Du lịch Tây Nguyên

Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến núi rừng nguyên sinh với những con thác hùng vĩ, nhắc đến âm thanh cồng chiêng rộn rã, ché rượu cần ấm lòng bên bếp lửa, và với những con người chân chất như cây kơ-nia.
Theo dòng Đăk Bla - dải lụa mềm vắt qua thị xã KonTum

 

 
Dòng Đăk Bla trữ tình - Ảnh:simplevietnam.com

Từ vùng núi cao phía Đông Bắc, Đăk Bla chảy về phía Nam, đến thị xã KonTum lại lượn lờ sang hướng Tây - Tây Nam hợp với con sông Krong Pô Kô tạo thành dòng Sê San hùng vĩ. Tại đây Đăk Bla lại bắt đầu một hành trình mới sang tận Campuchia trước khi nhập vào Mê Kông mà đổ ra biển lớn.

Nếu có dịp đến với Tây Nguyên du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ngồi thuyền độc mộc mà xuôi ngược trên dòng Đăk Bla. Dòng sông hiền hoà với bờ bắc là phố núi Kon Tum và bờ nam xanh xanh những bãi mía. Thấp thoáng trong hành trình du khách sẽ gặp bóng nhà của những dân tộc vùng cao như Ba Na, Rơ Ngao.

Giữa sắc trời xanh của đại ngàn, trong tiếng réo sôi của miên man ghềnh thác, con thuyền độc mộc rẽ sóng nhẹ nhàng như cánh hoa thả trôi trên sông. Thuyền càng tiến về thượng nguồn, gió càng mát rượi, hai bên dòng sông thường là vách núi dựng đứng. Có đoạn, giữa dòng sông lại gặp một cồn cát nhô lên chia đôi dòng nước. Thỉnh thoảng ta lại gặp một cái bẫy bằng tre nứa bên trong có bã rượu cần, chung quanh cắm lá và cỏ. Cá nghe mùi thơm quen của bã rượu sẽ xúm lại ăn. Điều đáng nói là chỉ khi ngồi trên độc mộc, du khách mới cảm hết cái thâm tình của núi rừng cao nguyên thăm thẳm.

 

Ghé Gia Lai thăm hồ Tơ Nưng nước trong văn vắt
 
Hồ Tơ Nưng - Ảnh: xomnhiepanh.com

Hồ Tơ Nưng (Tơ Nueng), trước đây là miệng núi lửa khổng lồ nằm ở phía Bắc thành phố Pleiku. Giữa mênh mông đất đỏ cao nguyên, hồ Tơ Nưng hiện ra như một chiếc gương sóng sánh ánh vàng ở độ cao trên 700m so với mặt nước biển.

Đứng trước khung cảnh nên thơ của Tơ Nưng lòng người không khỏi xao xuyến, ngẩn ngơ. Từ hồ Tơ Nưng, phóng tầm mắt ra xa là mây trời lồng lộng, rừng thông bạt ngàn, những hẻm núi vách thẳng đứng. Quanh năm, các loài hoa thay nhau khoe sắc bên hồ: cúc quỳ hoang dại trải vàng những thảm cỏ, hoa Êpang phủ kín từ mép hồ lên tận triền đồi, hoa gạo rực rỡ, hoa mua tim tím mộng mơ… Trong những lùm lau sậy sát bờ nước các loài chim lúc ẩn lúc hiện, bay lượn nhịp nhàng: chim sin sít lông tím mỏ hồng, cuốc lông đen hay lốm đốm hoa mơ, chim d’rao, chim trắc… với những tiếng đập cánh làm lao xao cả một vùng hồ.  Hồ Tơ Nưng bởi thế mà thổi vào hồn người cái khoáng đạt của cao nguyên, những sắc màu và thanh âm của thiên nhiên hoang dã. Tất cả như một bản hòa âm làm lòng người ấm lại khi chiều buông sương xuống.

 
 
Buôn Đôn mùa hội đua voi
 

Vào mùa xuân, khi trời nắng dịu, đất rừng khô ráo, dọc các bờ sông, bờ suối là sắc rực rỡ trắng, vàng, hồng, tím của các loài hoa rừng, cũng là lúc Tây Nguyên mở hội đua voi.

Đua voi - Ảnh: baoanhdatmui.vn

Gần đến ngày hội, những đàn voi từ các buôn làng gần xa nườm nượp kéo về buôn Đôn. Cùng với những đàn voi ấy là dân chúng từ khắp nơi trong những bộ áo quần sặc sỡ lũ lượt kéo về.

Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng ít cây to, bề ngang đủ để 10 chú voi giăng hàng đi cùng một lúc, bề dài từ 1 đến 2km. Trên mỗi con voi là hai chàng mơgat* dũng mãnh, trong bộ trang phục tướng lĩnh, tay cầm kreo* trong tư thế sẵn sàng xuất phát. Một hồi tù và rúc lên, đàn voi nhiều con rống vang như báo hiệu rằng chúng sắp bước vào một cuộc thi tài quan trọng. Những chiếc chân voi to như cột nhà, thường ngày nhấc lên từng bước ung dung, uể oải là thế, nay bỗng bật lên như những chiếc lò xo phóng thẳng về phía trước. Tiếng la hét của khán giả, tiếng chiêng khua rền tai, tiếng trống ầm ầm giục giã, trong phút chốc du khách bị cuốn vào cảm giác phấn khích đến nghẹt thở theo mỗi bước chân voi.

Khi cuộc đua voi kết thúc cũng là lúc những chú voi dự thi lần lượt trở lại các buôn làng xa xôi, mang theo tiếng hát, lời ca và không khí rộn ràng. Ngày hội khép lại mà vẫn nghe đâu đây tiếng thùng thùng tiếng trống giục, nhìn nhau du khách tự nhủ lòng “mùa sau sẽ lại lên đua voi”.

Chú thích:

*mơgat: nguời điều khiển voi chạy đua

*kreo: tiếng M’nông là thanh sắt điều khiển voi, dùng để đâm mạnh vào da voi thúc cho nó chạy nhanh hơn.

 

Tây Nguyên "dọn cỗ" đón người phương xa
 

Từ thành phố lên cao nguyên bazan này chắc không nhiều người đã từng thưởng thức cơm lam – thứ cơm đặc sản của núi rừng bởi nó chắt chiu trong đó là vị ngọt của dòng suối đầu nguồn và hương thơm mộc mạc của nứa non. Cơm lam cho hạt gạo dẻo và thơm lạ lùng, nếu đã một lần nếm qua, chắc hẳn người ta sẽ còn nhớ mãi.

Mùa mưa, đi dọc các đường quốc lộ Tây Nguyên ta thường bắt gặp không biết bao nhiêu chợ măng. Ngoài măng ra không có hàng hoá gì khác. Người Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng mình trần, da đen cháy, ngồi như bất động trên những gùi măng le đợi người đến mua. Măng le ăn tươi đã ngon, ăn khô lại càng thú vị, vị ngon bỏ xa măng áo tơi, măng lưỡi lợn. Và không biết có phải vì cái ngon đó khiến người miền xuôi ưa thích đến nỗi bật lên câu thơ quen thuộc:

“Ai về nhắn với cội nguồn

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”

Nếu chọn Tây Nguyên làm chốn dừng chân sau những chuỗi ngày làm việc mệt mỏi, hoặc làm điểm tham quan, khám phá cho thỏa mộng lữ khách thì nên đến vào khoảng tháng 3 âm lịch. Bởi đây là “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nuớc” - mùa đẹp nhất của núi rừng Tây Nguyên.

Tạm biệt Tây Nguyên, một dải Trường Sơn xanh thẳm với bao con nước, bao dòng thác và nền văn hóa đã đi vào huyền thoại, du khách bước trở về mà nghe lòng sao cứ dùng dằng mãi.