399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Theo truyền thuyết, Bà Chúa Kho xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, Bắc Ninh. Sau khi lấy vua Lý (không rõ ông vua nào) và chiêu dân cắm đất lập trại ấp, Bà được vua giao cho coi quản kho lương lớn ở làng Cô Mễ và Thượng Đồng. Ngoài việc coi sóc kho tàng, Bà còn phải cai quản số đông tù binh người Chàm do nhà Lý bắt được sau mỗi cuộc chiến tranh và đưa họ về làm ở các trang ấp.
Dân Hạ Đồng, Trung Đồng, Thượng Đồng… tất cả gồm 72 trang ấp đều là những phạm nhân làm ruộng cho Bà. Cứ mỗi vụ thu hoạch, thóc từ các làng lại được đưa về hai kho lương. Đường vận chuyển thóc còn lại cho đến nay là dãy núi Dộc Dâu, chạy suốt từ sau làng Cô Mễ qua Hữu Chấp tới Thượng Đồng. Thực ra vẫn còn nhiều dị bản xung quanh thần tích về Bà Chúa kho nhưng càng về sau nay, hình ảnh Bà càng lịch sử hoá cụ thể.
Đó chính là hiện tượng phổ biến phản ánh tâm linh, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá của người Việt trong việc ngưỡng vọng, tôn thờ những người có công với dân với nước. Và quan trọng hơn cả là qua những truyền thuyết về Bà Chúa Kho, chúng ta vẫn thấy được một sự thực lịch sử được phản xạ, được nuôi dưỡng trong đó. Cho đến nay, việc thờ phụng Bà Chúa Kho ở Cô Mễ không còn tài liệu nào ghi chép lại.
Ngôi đền và cách bài trí cùng hệ thống tượng cũng không còn, trong đó có sự hội nhập tín ngưỡng thờ Mẫu một cách sâu sắc, đến mức lấn lướt cả nội dung của ngôi đền thờ nữ thần là Bà Chúa Kho. Ban thờ được bố trí theo tín ngưỡng Tứ phủ. Ba vị Tam toà thánh Mẫu ngự ở vị trí chính, chung quanh là các ban Chầu Bà, ban Đức ông. Tầng dưới, phía ngoài dành cho ban Công đồng Tứ phủ, có hai vị ông hoàng: hoàng Bơ, hoàng Bảy cũng được đặt ở vị trí thờ riêng. Dưới cùng là Bát bộ sơn trang.
Tuy vậy, ở tầng cao trong cùng, ngay sau ban thờ Tam toà Thánh Mẫu vẫn là pho tượng Bà Chúa Kho đúc bằng đồng với tôn hiệu Linh Từ Quốc Mẫu. Ngoài lòng sùng bái, khách hành hương về lễ đền còn có mục đích được cầu tài, phát lộc bằng cách vay tiền, xin lộc Bà. Chính tập tục này là điểm độc đáo cuốn hút khách thập phương về với bản đền. Tiền vay của Bà thường là tiền thực, độ vài đồng tiền Việt, nhưng cũng có khi là tiền thánh (tiền âm phủ). Nếu khách xin vay vàng (tượng trưng),
Bà cũng thuận cho. Có vay, co nợ thì có trả. Việc trả nợ cũng sòng phẳng, tính cả lời lãi và đương nhiên là người vay tỏ sự biết ơn bằng cách tạ lễ. Thực tế cho thấy, không chỉ đền Bà Chúa Kho ở Cô Mễ mới có tục vay mượn tiền của thần thánh. Tập tục này được chi phối bởi niềm tin tâm linh của người Việt. Đó là loại niềm tin “không thể giải thích bằng ngôn ngữ, bằng lôgic thông thường.
Đối với tư duy khoa học kiểu duy lý, thì niềm tin ấy là hão huyền, nhảm nhí! Vậy mà trong đời sống, thì niềm tin ấy có sức mạnh ghê gớm, trong đó người ta tìm thấy cả vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan của con người” (GS Tô Ngọc Thanh). ở một khía cạnh nào đó, niềm tin tôn giáo này có ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc. Với niềm tin đó, con người biết ứng nhân xử thế hơn, biết hàm ơn người cho vay và coi họ làn ân nhân.
Xét trên góc độ tín ngưỡng tích cực thì việc vay tiền (chứ không xin không) ở đây không bị ràng buộc bởi những thủ tục trần tục như thế chấp, làm văn tự, thậm chí “dùng luật”… mà chỉ bị ràng buộc bởi những niềm tin tâm linh, bởi sự tự giác.
Thế nhưng những cuộc vay mượn ấy lại không bị “quỵt”, bị “bùng” như đã từng xảy ra ở trần gian. Vì vậy, tập tục này về sâu xa còn có ý nghĩa tích cực trong việc di dưỡng tinh thần văn hóa, giáo dục con người làm ăn đứng đắn, sống có đạo lý.
Hằng năm cứ mỗi khi tết đến xuân về, năm cũ qua đi, năm mới đến. Người ta lại đổ về Bà Chúa Kho để trả nợ năm cũ, để vay làm ăn cho năm mới. Điều này đã thành thông lệ quen thuộc cho rất nhiều người.
Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen đối với nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh. Cứ vào dịp đầu xuân năm mới hàng ngàn khách thập phương trong cả nước lại đến chiêm bái, thắp hương và dâng phẩm vật kính lễ bà Chúa kho, cầu mong một năm mới an lạc thịnh vượng và hạnh phúc.