BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Thị trường
  • Chiêu quái của trung tâm gia sư lừa tiền phụ huynh

Chiêu quái của trung tâm gia sư lừa tiền phụ huynh

Gần đây ở Hà Nội lại xuất hiện nhiều trung tâm gia sư treo biển quảng cáo là \\\\\\\"trung tâm của Đại học Sư phạm Hà Nội, có đội ngũ giáo viên uy tín...\\\\\\\" khiến các bậc phụ huynh \\\\\\\"hoa mắt chóng mặt\\\\\\\". Tuy nhiên, chất lượng thật sự của các trung tâm này tới đâu?

Lập lờ "trung tâm gia sư sư phạm"


Trên các đường phố Hà Nội, đặc biệt là những phố gần trường ĐH Sư phạm Hà Nội không khó để tìm thấy một trung tâm gia sư có biển quảng cáo "Trung tâm gia sư sư phạm" hoành tráng. Tại các trang web, trang rao vặt cũng không thiếu những lời "tung hô" độ uy tín của các trung tâm gia sư. Hầu hết họ đều tự nhận là trung tâm thuộc trường ĐH sư phạm và không tiếc lời quảng cáo về độ tin cậy của giáo viên nơi đây. Nhiều trung tâm còn cam kết đảm bảo kết quả cuối khoá của học sinh sẽ được nâng lên. Ở cuối đoạn quảng cáo họ còn lưu ý phụ huynh phải gọi đúng số điện thoại ghi bên dưới...

Để kiểm chứng độ "uy tín" của các trung tâm, PV Nguoiduatin vào vai một sinh viên mới ra trường muốn đi dạy tại "trung tâm gia sư thầy Thành ĐH sư phạm". Bấm số điện thoại được quảng cáo trên mạng, một người đàn ông tự nhận tên là Thành nghe máy. Sau khi nghe tôi trình bày, người đàn ông này hẹn tôi tới một quán nước để nói chuyện "cho tiện"!. 

Biển gia sư sư phạm để hút khách

Trong cuộc gặp, tôi nói mình chỉ là sinh viên của một trường cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật, Thành cười, nói: "Hầu hết học sinh đến trung tâm đều học kém vì thế về mặt kiến thức thì không lo. Nếu phụ huynh nào hỏi thông tin về trình độ của gia sư, tôi sẽ có cách để thuyết phục họ, em cứ yên tâm. Việc của em bây giờ là làm thế nào để họ không nghi ngờ mình. Khi đến nhà học sinh, em chỉ cần ăn mặc đứng đắn như vừa đi dạy học về, sau đó liên tục hỏi han về tình hình học tập của cháu để gia đình không còn thời gian để hỏi về mình. Trường hợp gia đình hỏi dạy học ở đâu thì cứ nói là đang dạy ở một trường rất xa để họ khó kiểm chứng...".

Sau khi hướng dẫn tỷ mỉ cách giả làm người đã từng đi dạy lâu năm, Thành đưa tờ giấy ghi số nhà, số điện thoại, tên học sinh và phụ huynh để tôi tự liên lạc. Dù chưa biết mặt học sinh, chưa được cầm tiền công nhưng Thành đã thu của tôi 40% tháng lương đầu. Ở "trung tâm thầy Thành", gia sư là sinh viên có giá từ 70 nghìn đồng/buổi, còn giáo viên sẽ có mức tối thiểu là 150 nghìn đồng/buổi. Mức cao hơn do gia đình và gia sư thương lượng.

Theo tìm hiểu được biết, Thành không phải là giảng viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội như lời anh ta quảng cáo. Thực chất, Thành học ở một trường cao đẳng, hiện đang làm việc tại công ty nội thất. Trung tâm gia sư của Thành thực ra là một trung tâm ảo trên mạng, không có địa điểm đăng ký cụ thể. Tất cả mọi giao dịch với phụ huynh học sinh và gia sư đều thông qua điện thoại. 
 
Sinh viên dốt... thành gia sư giỏi 
Nói về việc quản lý các trung tâm gia sư "mạo danh" này, ông Phạm Ngọc Trúc, phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chia sẻ: Đây là một mảng mới trong việc quản lý giáo dục, Bộ đang tìm phương án để quản lý. Việc các trung tâm mạo danh nhà trường hay chức danh của giảng viên là việc làm lừa đảo.

Nhờ công nghệ "thổi", trung tâm của Thành có rất đông phụ huynh đăng ký tìm gia sư cho con. Lân la, tôi làm quen sinh viên Dương Thị Thảo, sinh viên năm cuối trường ĐH Công đoàn. Thảo cho biết, có trường hợp gia đình học sinh yêu cầu gia sư phải là sinh viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng vì chưa tìm được nên Thành vẫn xếp lớp đó cho cô. Sau vài lần giả danh trót lọt, không may một lần gia chủ yêu cầu cô cho xem thẻ sinh viên. Thảo nói dối quên thẻ sinh viên ở nhà rồi về trung tâm cầu cứu.

Trái với tâm trạng lo lắng của cô, Thành động viên cô yên tâm, mấy ngày sau đến sẽ có thẻ sinh viên trường sư phạm. Quả không sai, hai ngày sau Thảo đã đàng hoàng là sinh viên sư phạm. Dù là thẻ giả nhưng nó đã giúp cô vượt qua sự nghi ngờ của phụ huynh.

Là một người đã có nhiều năm làm gia sư, Thảo cho biết, bên cạnh một số sinh viên giỏi đi gia sư còn có rất nhiều trường hợp là những sinh viên bị đuổi học, bị trượt đại học... Trong thời gian ôn để thi lại, những đối tượng này đi dạy thêm để lấy tiền trang trải cuộc sống. Trong đội ngũ gia sư, chỉ có rất ít giáo viên có kinh nghiệm đăng ký dạy qua trung tâm, còn chuyện giảng viên đi làm gia sư cho học sinh phổ thông là chuyện hiếm.

Theo quy định hiện nay, để mở một trung tâm gia sư người đứng đầu trung tâm phải có chứng chỉ sư phạm đồng thời phải có giấy phép mở trung tâm. Tuy nhiên, rất nhiều trung tâm không có đủ hai điều kiện này. Qua tìm hiểu, được biết rất nhiều đơn vị chỉ giao dịch trên mạng thông qua điện thoại mà không có địa điểm cụ thể. Nếu có địa điểm thực thì cũng chỉ là căn phòng thuê xập xệ với một chiếc bàn, một chiếc điện thoại liên lạc và quyển sổ ghi chép.

Để tạo tin tưởng, hầu hết các trung tâm gia sư đều quảng cáo là trung tâm gia sư của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiền, trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường này không hề có trung tâm gia sư cũng như các hoạt động giới thiệu gia sư. Trước việc lợi dụng thương hiệu, nhà trường đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị đó không sử dụng thương hiệu của trường nhưng không được. Các Trung tâm này dùng những cụm từ như: Trung tâm gia sư sư phạm, trung tâm gia sư ĐH sư phạm..., nên đã khiến nhiều phụ huynh ngộ nhận. Điều này ảnh huởng ít nhiều đến uy tín của nhà trường. 
 
 
 
  
gia su da nang
Thành Huế
Theo Nguoiduatin