Ảnh minh họa Một đoạn đường chưa tới 200 mét trên đường Wừu ở TP. Pleiku có tới 2 bản to tướng giới thiệu việc dạy kèm và gia sư. Một bản viết tay treo trước tiệm xe đạp bên cạnh các lốp xe đạp, xe mô tô cũ, dạy tất cả các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh Văn. Được biết, người dạy tất cả các môn và các cấp học trên may ra chỉ có được một người và người này không phải là giáo viên. Còn gia chủ của một biển hiệu khác khi tôi hỏi anh treo vậy có xin giấy phép không; chủ nhà thật thà bảo: Mấy anh em giáo viên ở huyện bảo treo dùm chứ giấy má gì. Thậm chí có người vừa dạy tiểu học, vừa dạy lớp 6, 7, 8 vừa kiêm luôn dạy 10, 11, 12.
Có những người không chuyên môn vẫn nhận dạy bừa. H. là sinh viên cao đẳng tiểu học nhưng lại dạy văn lớp...10. Còn T. học cao đẳng Hóa- Sinh mà dạy các môn tiểu học. Thực tế không phải vậy. Mỗi cấp học đòi hỏi một trình độ chuyên môn và phương pháp nhất định, không thể dạy bừa, dạy ẩu được.
Có thể khẳng định việc hành nghề gia sư trên địa bàn TP. Pleiku còn nhiều phức tạp nếu không chấn chỉnh sẽ tạo những tác động xấu đến công tác giáo dục trên địa bàn. Nhiều phụ huynh rất hoang mang không biết cơ sở gia sư nào là hợp pháp và đáng tin cậy. Vậy giải pháp nào để gia sư trở thành một hoạt động hợp pháp và có thể quản lý được?
Hiện nay trên địa bàn TP. Pleiku, việc quản lý dạy thêm dạy kèm được quản lý, tổ chức rất chặt chẽ và giáo viên các trường thực hiện rất nghiêm túc quy định này. Tuy nhiên hoạt động gia sư vẫn còn bỏ ngỏ. Thiết nghĩ các tổ chức giáo dục và các đoàn thể nên lưu ý đến hoạt động gia sư và những người hành nghề gia sư trên địa bàn TP. Pleiku. Các tổ chức giáo dục nên rà soát lại và kiểm tra các cá nhân, tập thể hoạt động gia sư trên địa bàn TP. Pleiku. Việc này không đơn giản nhưng đầu tiên ta có thể kiểm tra các cá nhân, cơ sở hoạt động gia sư thông qua địa chỉ, số điện thoại trên các tờ rơi, quảng cáo… Nếu trường hợp cá nhân, tập thể nào đủ năng lực hoạt động thì cấp giấy phép và cho họ hành nghề, có đăng ký, đóng thuế theo luật định và có kế hoạch quản lý họ. Còn các cá nhân, tập thể nào không đủ năng lực, không có chuyên môn thì phải đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương kiểm tra, quản lý hoạt động gia sư trên từng khu vực xã, phường để chấn chỉnh kịp thời. Mặt khác, một số tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường cao đẳng, THCN… nên thành lập các câu lạc bộ gia sư bằng cách chọn sinh viên đúng chuyên môn, đúng ngành học, sinh viên khá, giỏi và tổ chức thực hiện thật chặt chẽ để đáp ứng nhu cầu của hoạt động gia sư.
Câu chuyện về gia sư ở TP. Pleiku sẽ còn dài và không ít phức tạp. Muốn hoạt động gia sư đi vào nền nếp phải cần có thời gian và sự nỗ lực, phấn đấu của nhiều người, nhiều ngành, nhiều tổ chức đoàn thể.
gia su da nang
tin giáo dục
Nguyễn Tiến