BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Thị trường
  • Muôn nẻo sinh viên kiếm sống: Gia sư - nghề tri thức

Muôn nẻo sinh viên kiếm sống: Gia sư - nghề tri thức

Ngoài chuyện ra sức học hành để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ, nhiều bạn sinh viên còn dành thời gian cho công việc gia sư, vừa để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân, vừa có thêm tiền tiêu Tết, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Gia sư - Công việc phù hợp 

Là sinh viên, nhiệm vụ học tập luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng ngoài thời gian trên giảng đường, để đảm bảo thêm phần nào những nhu cầu của cuộc sống, hoặc để có thêm kinh nghiệm xã hội cho bản thân, đi làm thêm là lựa chọn của rất nhiều sinh viên. Nhưng tìm một công việc phù hợp với thời gian và điều kiện học tập cho bản thân không phải là dễ. Gia sư là nghề được rất nhiều sinh viên lựa chọn, bởi đây là một nghề đòi hỏi tri thức, phù hợp với sinh viên và có thể chủ động về thời gian, không ảnh hưởng đến việc học trên giảng đường. 

Như Hoa - Sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV quê ở Hưng Yên, bố làm xây dựng, mẹ ở nhà nội trợ. Đều đặn, bố mẹ Hoa gửi khoảng 1 triệu đồng để cô sinh hoạt mỗi tháng. Phần vì muốn giúp đỡ gia đình, hơn nữa cũng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho bản thân, Hoa đã chọn đi dạy thêm. 

Mỗi tuần, Hoa dạy 3 buổi tối. Phương tiện đi làm của cô chủ yếu là xe đạp hoặc xe buýt. Hoa dạy kèm cậu học trò nhỏ Minh Đức (lớp 3, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm). Cậu bé rất gần gũi, thân thiết với cô giáo. Những chuyện về trường lớp, bạn bè, thậm chí cả chuyện gia đình Đức đều tâm sự với cô gia sư. 
 

Công việc gia sư luôn được nhiều bạn sinh viên lựa chọn (Ảnh chỉ có tính minh họa).


Hoa cười rồi kể: "Những dịp như Noel hay sinh nhật, Đức rất nhớ và đều tặng quà cho mình. Có lần, mình đến dạy, đúng hôm sinh nhật của mẹ cậu bé, thế là hôm ấy mình được nghỉ dạy và cùng gia đình Đức đi ăn". Mẹ Đức, là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Thủ đô, cho biết: "Do công việc khá bận rộn, vợ chồng tôi thuê gia sư cho cháu để có người bảo ban, kèm cặp cháu học bài". Với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, công việc lại ổn định và có thể sắp xếp về thời gian, Hoa thấy đây là một nghề làm thêm rất phù hợp với sinh viên. Hơn nữa, Hoa vẫn đảm bảo tốt việc học tập trên giảng đường. Đó là lý do cô " trung thành" với nghề gia sư trong suốt 4 năm đại học. 

Nhiều sinh viên dù không học sư phạm nhưng vẫn chọn nghề gia sư để làm thêm vì thật sự đam mê với công việc này. Bùi Linh, sinh viên năm cuối ĐH Bưu chính viễn thông đang dạy một học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức- Hà Nội. Gia đình khá giả, nhà ở Hà Nội, Linh đi làm thêm không hẳn vì mục đích kinh tế. Linh chia sẻ: "Mình chọn nghề gia sư một phần vì thích công việc này. Nó không chiếm nhiều thời gian vì trường mình lịch học khá dày, lại vừa có thể học hỏi thêm nhiều thứ". 

Những chuyện "dở khóc, dở cười" 

Với Hoa, dạy thêm đã trở thành nghề không thể thiếu trong suốt 4 năm đại học. Niềm vui rất nhiều nhưng bên cạnh đó, còn những chuyện "dở khóc dở cười". Có hôm mượn được xe máy của bạn để đi dạy thêm, đến cách nhà học trò gần 1km, đường Hoàng Văn Thái, bỗng ùn tắc, các phương tiện giao thông không thể di chuyển suốt gần 1 giờ đồng hồ. Hoa đứng "chết trân" với cái xe máy mà không thể lách ra, cô đành điện thoại xin phép nghỉ buổi dạy. Đường thông, Hoa quay xe về trong tâm trạng bơ phờ vì mệt mỏi và nỗi buồn bởi những cằn nhằn của gia chủ. 

“ Mình đi làm gia sư từ năm thứ nhất. Mình thích công việc này vì thấy nó phù hợp với sinh viên. Mình vừa có thể tăng thêm thu nhập, hiểu được giá trị của đồng tiền, vừa tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân ”. 

Như Hoa - Sinh viên ĐH KHXH&NV


Thanh Luyến là sinh viên năm cuối khoa Văn (ĐH KHXH&NV). Qua trung tâm môi giới, Luyến chọn công việc dạy thêm để tăng thu nhập cho bản thân. Ngày đầu tiên đi làm gia sư cho cậu bé lớp 5 chuẩn bị thi vào Trường Mari Curi, suốt buổi học, ông nội cậu bé luôn ngồi bên cạnh để giám sát, kiểm tra chất lượng giảng dạy của cô gia sư trẻ. 

Có hôm, ông cậu bé mang đề thi vào trường Marie Curie những năm trước cho Luyến giải, nhằm đánh giá năng lực của cô. Luyến chia sẻ: "Những buổi đầu, dù ức chế, nhưng mình vẫn thoải mái, dần dần mình cảm thấy rất khó chịu do ông luôn ngờ vực và thường xuyên giao bài kiểm tra mình". 

Sau đó Luyến đã nói chuyện trực tiếp với ông cậu bé, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là do những gia sư trước đây dạy chất lượng không tốt nên giờ phải làm như vậy. Dạy được 1 tháng, Luyến quyết định xin nghỉ vì không chịu được áp lực từ phía gia đình học trò. 

Cho dù gặp phải khó khăn, nhiều sinh viên vẫn đi dạy thêm, vì đó không chỉ giúp các bạn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn là vốn sống, kinh nghiệm, là hành trang vững chắc khi ra trường. 



 

day kem da nang
gia su da nang
Thúy Nga
Theo Giadinh