BOOKING TOUR
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Nỗi ngậm ngùi của gia sư cậu ấm cô chiêu

Sau một thời gian tìm chỗ dạy thêm để kiếm đồng ra đồng vô, Huyền mừng quýnh vì được một gia đình thuộc hàng siêu đại gia nhận kèm cặp cho cậu quý tử sắp lên lớp 7, lương 4,5 triệu đồng cho 2 tiếng dạy vào tối thứ 2, 4, 6.

Gia sư Đà Nẵng

“Là dân sư phạm nên em rất tâm huyết với công việc dạy học”, Huyền tâm sự. Dù học trò là dân chợ búa hoặc những công chúa hoàng tử, Huyền tự tin đều có thể thu phục vì có nhiều phương pháp sư phạm và kinh nghiệm dạy học.


Tuần đầu tiên, cậu học trò tỏ ra biết vâng lời cô giáo theo kiểu bảo sao làm vậy và không nói nửa lời. Theo kinh nghiệm gia sư của mình, Huyền cho rằng thời gian đầu do cô trò chưa quen nhau nên chưa thể cởi mở và tự nhiên với nhau được, với lại gia sư cũng phải giữ kẽ vì học trò thuộc hàng có số má.

Đến cuối tháng, tình trạng trò “câm như hến” vẫn không được cải thiện. “Em không biết phải làm thế nào vì không có cơ hội gặp gỡ để trao đổi với bố mẹ học trò. Cô giúp việc thì phải răm rắp nghe theo lệnh của cậu chủ”, Huyền tâm sự.

Một ngày Huyền đến dạy học như thường lệ, đứng ngoài cổng niềm nở với học trò đang chơi trong khuôn viên nhà. Nhìn thấy cô giáo, cậu quý tử liền vào trong nhà và đóng sập cửa lại. Mặc cho Huyền bấm chuông, gọi điện thoại, vẫn không có ai ra mở cổng. Đứng đợi hơn một tiếng, vừa mỏi chân, vừa cảm thấy tủi, cô giáo lặng lẽ đi về.

Hôm sau, cô giúp việc gặp Huyền bộc bạch: “Cậu chủ dặn tôi không được ra mở cửa nên để cô phải đứng đợi”. Cô giáo vẫn vào phòng dạy học như không có chuyện gì xảy ra. Đáp lại mọi nỗ lực của Huyền là thái độ thiếu tôn trọng, vì cậu quý tử lúc thì gọi điện thoại, khi cắm tai phone nghe nhạc, chơi điện tử.

“Đã đi dạy thêm nhiều nhưng chưa lần nào em thấy chua chát như lần này”, Huyền lắc đầu ngao ngán. Mặc dù tiền lương cao nhưng cô không thể tiếp tục vì không nhận được sự tôn trọng từ học trò của mình. 

Làm gia sư cũng đòi hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm, tâm lý và sự kiên nhẫn. Ảnh: Thiên Ân

Cùng cảnh khổ với Huyền là trường hợp của Thư, giáo viên mầm non đang dạy tại Bình Dương. Có tiếng con nhà gia giáo, bố mẹ đều là giáo viên, nên Thư được một đại gia trong tỉnh gửi gắm việc dạy thêm cho con gái và con trai của họ. Thư rất mừng, vì ngoài đồng lương còm của giáo viên chính thức, cô có thêm 5 triệu mỗi tháng nghề gia sư để làm vốn cưới chồng.

Thư không cực như Huyền vì mỗi tối dạy tại nhà, cô cậu học trò đều được đưa đón cẩn thận. Đi theo hộ tống còn có chị bảo mẫu và bác tài xế luôn túc trực trước cổng nhà.

Buổi học đầu tiên, Thư choáng váng vì những món đồ mà học trò mang theo. Cô bé gái chuẩn bị lên lớp 1 hì hục lục cặp lấy ra chiếc Iphone và Ipod láng cóng. Cậu anh trai sắp học lớp 2 cũng chẳng kém liền “khoe” chiếc Nokia E72 màu bạc mới tinh. Cậu còn nói thêm với cô giáo: “Nếu con học giỏi, mẹ sẽ mua cho con một chiếc Ipad nữa”.

“Nhiều hôm đang học, cả hai đua nhau nhắn tin và gọi điện thông báo tình hình cho bà nội với bố mẹ. Nhắc nhở một cái là 'anh chị' lại xị mặt ra”, Thư than thở sau một thời gian kèm cặp cho con nhà đại gia.

Một hôm vì giận quá nên Thư la mắng và nhắc nhở anh em tập trung học bài. Cô em liền lấy điện thoại gọi méc bà nội. Thư phải một phen hú vía vì ngay sau đó, bố mẹ “ông trời” liền gọi điện để nhắc nhở cô giáo.

Hôm khác, khi đang dạy học, cô học trò nhỏ kể với Thư rằng "bố con mới đuổi chú tài xế vì chú ấy không nghe lời con". Cô giáo còn được dặn dò: “Nếu cô không ngoan cũng sẽ bị bố con đuổi việc đó”. Thư rất giận, song đã giữ được bình tĩnh vì cô biết rằng nếu la mắng hay tỏ ra nóng giận hai cậu ấm cô chiêu thì sẽ bị “tâu” với bố mẹ liền.

“Cố lắm mình mới dạy được hết 2 tháng. Mặc dù bố mẹ học trò có nài nỉ tiếp tục kèm cặp nhưng mình đành đầu hàng vậy. Dù sao dạy cho những em khác, lớp đông hơn, tiền ít hơn nhưng bù lại mình được tôn trọng, cô ra cô, trò ra trò, bố mẹ thực sự quan tâm đến việc học của con”, Thư chia sẻ.

Trao đổi với VnExpress về những trường hợp trên, chuyên viên tâm lý Phạm Sỹ, Trung tâm Nhịp cầu Hạnh phúc nhìn nhận, nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình giàu có, do cha mẹ mải mê chuyện thương trường nên ít có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con. Việc thuê gia sư là một giải pháp đáp ứng được yêu cầu “nhiều trong một”, trước là để có người dạy dỗ kèm cặp con, sau là có người chăm sóc, vui chơi và ở cùng con mình.

“Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ vai trò và lợi ích của việc thuê gia sư dạy kèm để có những cộng tác cần thiết nhằm nắm rõ tình hình học tập của con cái. Nên nhắc nhở và dạy con cái biết ngoan ngoãn, vâng lời và tôn trọng thầy cô thì việc làm của mình thực sự mang lại giá trị”, chuyên viên Phạm Sỹ chia sẻ.

Để làm tốt công việc của mình, các thầy cô gia sư cũng cần có sự hiểu biết nhất định về tâm lý, tính cách của trẻ ở từng độ tuổi. Việc hiểu tâm lý, tính cách, nắm bắt rõ sở thích và nguyện vọng của trẻ sẽ đem lại những cách thức tiếp cận, tác động và dạy học phù hợp. Điều quan trọng là tạo được sự yêu mến, tin tưởng và tôn trọng của trẻ, từ đó giúp trẻ có được sự thích thú trong việc học.

Cũng theo chuyên viên này, gia sư khi nhận dạy thêm dù thuộc bất kỳ đối tượng, tầng lớp nào cũng nên có những thỏa thuận và trao đổi thẳng thắn với phụ huynh để tránh những điều không hay có thể xảy ra. Nên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, nên các gia sư cũng cần tôn trọng chính bản thân và giữ gìn hình ảnh của mình trước học trò và phụ huynh của trẻ", ông Sỹ nhấn mạnh.
 
 
 
 

gia su da nang
Thiên Ân
Theo VnExpress